Khắc phục khó khăn, bảo đảm thu thập thông tin chính xác

20:21, 20/04/2019

Giao thông khó khăn, mật độ dân số và phân bố dân cư thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều... là những yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (viết tắt là Tổng điều tra) trên địa bàn huyện Võ Nhai. Khắc phục những khó khăn này, 90 điều tra viên của huyện luôn miệt mài thực hiện nhiệm vụ, tranh thủ cả thời gian nghỉ trưa hoặc buổi tối, vượt qua những triền đồi, lội qua nhiều đoạn suối, đến từng hộ dân thuộc địa bàn được phân công điều tra để thu thập thông tin bảo đảm chính xác. Từ đó góp phần quan trọng hoàn thành việc điều tra theo đúng tiến độ kế hoạch.

Trong những ngày đầu và giữa tháng 4 này, có dịp đi cùng với các điều tra viên ở 2 xã Cúc Đường, Nghinh Tường (Võ Nhai), chúng tôi thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các anh, các chị trong quá trình thu thập thông tin về dân số và nhà ở tại các xóm. Với tinh thần trách nhiệm cao, các điều tra viên không quản ngại thời tiết mưa, nắng, đường sá khó khăn, luôn miệt mài đến từng hộ để thu thập đầy đủ, bảo đảm chính xác về những thông tin theo quy định trong cuộc Tổng điều tra.

Anh Đông Văn Tuấn, viên chức Khuyến nông xã Cúc Đường, điều tra viên địa bàn xóm Mỏ Chì, chia sẻ: Địa bàn tôi được phân công điều tra có 135 hộ dân với 652 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Đây là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất xã. Hầu hết bà con người Mông thường làm nhà ở trên lưng chừng đồi, đường đến nhà rất khó khăn, nhiều khi phải bỏ xe máy đi bộ mới tới nơi. Việc giao tiếp bằng tiếng Việt của nhiều người chưa thật sự thành thạo. Hơn nữa, bà con thường đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nhà. Để khắc phục những khó khăn này, tôi phải lên kế hoạch đi những hộ nào cho từng ngày, rồi nhờ đồng chí Trưởng xóm thông tin (bằng điện thoại hoặc đến tận nhà) trước để bà con ở nhà. Tôi cũng nhờ đồng chí trưởng xóm đi cùng đến các hộ, bởi có một số thông tin hỏi bằng tiếng Việt bà con không hiểu hoặc hiểu sai, cần phải có người phiên dịch lại ý của câu hỏi.

Tương tự anh Tuấn, chị Mai Thị Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghinh Tường là điều tra viên 2 địa bàn thuộc xóm Bản Rãi và Hạ Lương. Đây là 2 xóm có điều kiện kinh tế - xã hội cũng rất khó khăn của xã Nghinh Tường, nhất là về giao thông. Chị Quyên cho biết: Tôi được phân công phụ trách thu thập thông tin các hộ dân ở 2 xóm với tổng số chỉ 67 hộ dân. Thế nhưng, đường sá đi lại ở 2 xóm này rất khó, toàn đường đất, nhiều khi còn phải lội qua suối. Thời gian này, trời hay mưa, đường lại càng khó đi do trơn trượt. Để đến được nhiều hộ, tôi toàn phải gửi xe rồi đi bộ, lội qua các khe, đoạn suối. Với đặc thù ở nông thôn, bà con hay đi làm đồng hoặc lên rừng trồng cây cả ngày, tôi phải tranh thủ cả buổi trưa đi tới nhà các hộ thì mới gặp. Cá biệt, có những hộ đi từ sáng sớm đến tối mới về, nên tôi phải đi đi lại lại mấy lần. Ngoài ra, trong quá trình lấy thông tin, bà con thường không quan tâm, không nhớ, nhất là về ngày, tháng, năm sinh, khiến cho điều tra viên lại mất thêm thời gian hỏi những câu hỏi phụ để xác định được chính xác hơn. Rút kinh nghiệm những ngày đầu, tôi đã nhờ đồng chí trưởng xóm gọi điện thoại hẹn trước đối với các hộ thường xuyên vắng nhà từ sáng đến tối.

Cuộc Tổng điều tra năm nay là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là áp dụng 2 hình thức thu thập thông tin bằng phiếu điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh; sử dụng phiếu trực tuyến để các hộ dân cung cấp thông tin qua Internet. Nhận định sẽ gặp phải những khó khăn nhất định trong Tổng điều tra lần này, ngay từ cuối năm 2018, cơ quan chuyên môn là Chi cục Thống kê huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn và đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ các khâu, các bước theo quy định. Trong đó, khâu lựa chọn điều tra viên được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thống kê, Phó Trưởng ban Thường trực ban Chỉ đạo Tổng điều tra huyện Võ Nhai cho biết: Với yêu cầu khắt khe của cuộc điều tra, liên quan đến từng người dân, phạm vi trải rộng trên cả huyện, đối tượng và địa bàn điều tra nhiều, nội dung điều tra phức tạp, thời gian điều tra kéo dài và ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin nên tiêu chí chọn điều tra viên được Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã rất quan tâm. Chúng tôi đã lựa chọn các điều tra viên có độ tuổi dưới 55 tuổi, có sức khỏe, nắm chắc địa bàn, có trình độ, sử dụng thành thạo điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng và Internet. Chính vì vậy, các điều tra viên được lựa chọn là cán bộ, công chức ở UBND các xã, thị trấn và người trẻ tuổi, có trình độ học vấn cao ở cơ sở. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn được 90 điều tra viên, thực hiện thu thập các thông tin ở 174 địa bàn điều tra tại các khu dân cư, trong đó có 172 địa bàn điều tra thường và 2 địa bàn đặc thù (Trường Phổ thông Dân tộc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Chùa Xả).

Huyện Võ Nhai hiện có 15 xã, thị trấn với 171 xóm, bản và trên 68 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. Hiện, Võ Nhai có 10 xã khu vực III, 4 xã và 1 thị trấn khu vực II,  86 xóm đặc biệt khó khăn. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng giao thông ở các xã vùng cao ở Võ Nhai vẫn còn rất khó khăn. Nhiều xã có diện tích đất tự nhiên rộng, song dân cư phân bố thưa thớt, trình độ học vấn không đồng đều. Cùng với đó, chất lượng đường truyền mạng Internet, sóng 3G ở nhiều khu vực không ổn định. Những yếu tố kể trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu thập thông tin của các điều tra viên.

Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện, đặc biệt là đội điều tra viên trong cuộc Tổng điều tra năm 2019, tính đến ngày 18-4, toàn huyện Võ Nhai đã điều tra được trên 16.660 hộ, đạt 91,63% số hộ cần điều tra. Trong đó, 4 xã (Tràng Xá, Dân Tiến, Vũ Chấn, Thần Sa) và thị trấn Đình Cả đã hoàn thành điều tra, các xã còn lại đã hoàn thành được từ 82 đến 92%.