Phát huy vai trò của người có uy tín ở Văn Lăng

13:13, 14/04/2019

Xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có gần 1.300 hộ dân, sinh sống ở 16 xóm, bản, trong đó tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Nhiều năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này được coi là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với người dân trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, qua đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chúng tôi đến thăm ông Dương Tiến Đường, người có uy tín đồng thời là Trưởng xóm Tân Lập 2 đúng lúc ông Đường chuẩn bị đi hái chè cùng bà con trong xóm. Theo chân ông Đường ra bãi chè, chúng tôi được ông cho biết: Toàn xóm có 52 hộ, gần 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Dao. Khoảng 10 năm trở lại đây, cây chè trở thành một trong những cây trồng chủ yếu ở xóm và đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo. Nếu năm 2013, toàn xóm có 24 hộ nghèo thì nay đã giảm xuống còn 10 hộ. Hiện tại, tôi đang vận động người dân trong xóm chuyển đổi các diện tích chè già cỗi, chè giống cũ sang trồng chè lai để nâng cao thu nhập. Ngoài việc triển khai chuyển đổi cây trồng tại các buổi họp xóm, tôi còn tranh thủ vận động bà con trong lúc đi thăm và phụ giúp người dân hái chè. Riêng năm 2019 này, các hộ trong xóm đã đăng ký với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ trồng hơn 30.000 cây chè lai.

Chị Đặng Thị Bảo, một người dân trong xóm cho biết thêm: Ông Đường là người luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của xóm và rất gần gũi với bà con. Đa số các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đều được ông Đường triển khai kịp thời để người dân trong xóm nắm được và thực hiện theo.

Nhờ làm tốt vai trò của mình, ông Đường đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế của người dân xóm Tân Lập 2. Nhiều năm liền xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa, Chi bộ xóm đạt trong sạch, vững mạnh.

Ông Lục Ngọc Năm, ở xóm Khe Quân cũng được đồng bào các dân tộc Tày, Nùng tin tưởng, bình chọn là người có uy tín ở địa phương. Để làm tốt vai trò của mình, ông Năm luôn luôn gần gũi, trao đổi với bà con những vấn đề liên quan đến cuộc sống, lợi ích của họ; tuyên truyền cho bà con giữ gìn sự đoàn kết các dân tộc, tích cực lao động sản xuất; gắn kết tình làng nghĩa xóm bằng công tác hòa giải, cùng nhân dân thực hiện các công trình dân sinh và sống gương mẫu để mọi người noi theo.

Là xóm có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 80%, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn nên mỗi lần xóm triển khai các hoạt động, nhất là về việc tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Năm đều dành nhiều thời gian, vừa tuyên truyền chủ trương, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, sau đó đóng góp ý kiến cho xóm để có cách làm phù hợp. Ví dụ như trong việc xây lại Nhà văn hóa xóm, thay vì thu đối ứng của các hộ với số tiền bằng nhau thì xóm Khe Quân đã phân ra làm 3 mức đóng là hộ không thuộc diện khó khăn sẽ đóng 1 triệu đồng, hộ nghèo và cận nghèo đóng 700 nghìn đồng, hộ gia đình neo đơn và có người đau ốm thì đóng theo khả năng. Cách làm này được người dân đồng tình ủng hộ, đến nay xóm đã có Nhà văn hóa khang trang theo tiêu chí nông thôn mới.

Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Toàn xã hiện có 14 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là các già làng, trưởng bản, cán bộ hưu trí có uy tín ở địa phương, được bà con nhân dân kính trọng, tin tưởng, nghe theo. Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số thì “tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”, bởi thế những người có uy tín ở Văn Lăng luôn là những tấm gương sáng góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất; xây dựng xóm, bản ngày càng phát triển, bình yên. Với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, những người có uy tín trên địa bàn xã đã có tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Họ thực sự là cầu nối truyền tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số đến với cấp ủy, chính quyền địa phương.