Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội

10:00, 02/04/2019

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ là giám sát, phản biện xã hội. Thông qua hoạt động này góp phần thực hiện dân chủ, công bằng, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh: Trong những năm gần đây, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã kịp thời phát hiện những điểm mạnh, những hạn chế ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống nhân dân để từ đó có văn bản kiến nghị cấp, ngành liên quan khắc phục, hoàn thiện. Như trong giai đoạn 5 năm gần đây, MTTQ các cấp đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và chính quyền cùng cấp tổ chức 187 cuộc tiếp xúc cử tri cho Đoàn đại biểu Quốc hội; 7.271 cuộc tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND các cấp, với tổng số 505.658 lượt cử tri tham dự, qua đó, có 18.296 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Trên cơ sở này, MTTQ các cấp xây dựng hoàn thiện 3.581 báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình địa phương.

Với MTTQ tỉnh, trong năm 2018 cũng đã phối hợp tổ chức 46 cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XIV với lượt 4.796 cử tri tham dự; có 253 ý kiến, kiến nghị của cử tri; 179 cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh trước và sau kỳ họp thứ 7, thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIV với 17.334 lượt cử tri tham dự, có 1.681 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri được ghi chép, xây dựng thành báo cáo gửi đến cấp, ngành chức năng liên quan đề nghị giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho nhân dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Từ năm 2014 đến hết năm 2018, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát 941 chuyên đề tại 1.192 đơn vị, địa phương, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát 10 chuyên đề tại 67 đơn vị, địa phương. Cùng MTTQ, các ban thanh tra nhân dân cũng phát huy hiệu quả thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát tại cơ sở, qua đó có ý kiến, kiến nghị kịp thời với cấp, ngành liên quan. Toàn tỉnh hiện có 180 ban thanh tra nhân dân với 1.748 thành viên; 250 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 1.694 thành viên. Các ban thanh tra nhân dân đã thực hiện 2.058 cuộc thanh tra, giám sát; các ban giám sát cộng đồng thực hiện 3.792 cuộc giám sát, kết quả có 463 vụ việc được kiến nghị với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đề nghị can thiệp. Hầu hết các vụ việc nhân dân nêu ra đều được cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, khắc phục ngay hậu quả.

Cũng trong giai đoạn này, thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần tham gia gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với gần 60 nội dung liên quan đến các thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất, cơ chế thu hút đầu tư… Toàn bộ ý kiến, kiến nghị của đại diện doanh nghiệp và của người dân được lãnh đạo tỉnh lắng nghe; nhiều ý kiến được trả lời, giải đáp trực tiếp; nhiều ý kiến được cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn các cấp đã tổ chức trên 1.000 cuộc đối thoại giữa chủ tịch công đoàn với người sử dụng lao động có sự tham gia của 80.870 lượt người lao động. Tại cấp tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 6 cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động, trong đó 2 cuộc tại cấp huyện, 2 cuộc giữa Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh với gần 1.000 công nhân viên chức, người lao động. Đặc biệt, MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức 4 hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý của các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia, các ủy viên của Ủy ban MTTQ vào Dự thảo Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự sửa đổi. Phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức 62 hội nghị tham gia góp ý xây dựng 62 dự thảo luật; phối hợp với HĐND tỉnh tham gia, góp ý 189 dự thảo nghị quyết của HĐND liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với MTTQ cấp huyện, xã đã tổ chức 15 hội nghị phản biện các đề án của địa phương. Điển hình như MTTQ T.P Thái Nguyên tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 11 đề án của Thành phố; MTTQ huyện Định Hoá tổ chức phản biện 3 dự thảo nghị quyết của Huyện ủy; MTTQ cấp xã, phường thuộc T.P Thái Nguyên tổ chức 118 hội nghị phản biện xã hội.

Có thể khẳng định, công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.