Cầu nối mang tên đại đoàn kết

14:09, 11/05/2019

Để thực hiện thành công nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, từ nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã như cây cầu nối mang tên đại đoàn kết, không ngừng khơi bồi đồng thuận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng, góp phần bình ổn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Khó khăn nhất là các xã thuộc vùng 135. Nhưng đặc biệt khó khăn thì phải kể đến các xóm, bản vùng 135 có nhiều đồng bào người dân tộc Mông sinh sống. Bởi đó là những bản làng xa xôi, đường đá tai mèo cheo leo trên lưng núi. Nhưng đó là chuyện của thời quá khứ. Từ 5 năm trước, tỉnh đã thực hiện thắng lợi “chiến dịch” làm đường bê tông lên những xóm, bản này. Đóng góp vào sự thành công ấy còn có đội ngũ những người làm công tác mặt trận.

Theo cụ Nông Thị Mai Hương, 91 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Đội ngũ những người làm công tác mặt trận luôn có mặt ở những nơi xa nhất, khó khăn phức tạp nhất để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Còn cụ Nguyễn Văn Tuế, 86 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đúc kết: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội chuyển tải thông tin đa chiều, vai trò của mặt trận lại càng trở nên quan trọng. Để thực hiện thành công nhiệm vụ, đòi hỏi những người làm công tác mặt trận phải có trình độ, năng lực, đạo đức cách mạng và linh hoạt khi tiếp cận cơ sở nhằm xây dựng thành công khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết: Thái Nguyên có một đội ngũ những người làm công tác mặt trận hùng hậu, gồm 3.030 ban công tác mặt trận cơ sở, thuộc 180 xã, phường, thị trấn trực thuộc 9 huyện, thành phố và thị xã, với gần 30.000 thành viên mặt trận cơ sở. Tất cả chung vai, góp sức vì mục đích chung là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở tất cả các phong trào, các cuộc vận động và cuộc gặp gỡ, đối thoại, phản biện xã hội… MTTQ đều đứng vai kết nối, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ và phát huy được quyền dân chủ cho nhân dân.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Trong thời gian 5 năm gần đây, MTTQ phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và chính quyền cùng cấp tổ chức 7.457 cuộc tiếp xúc cử tri cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, với hơn 505.000 lượt cử tri tham dự, có hơn 18.000 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Trên cơ sở đó, MTTQ các cấp xây dựng hoàn thiện 3.581 báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình địa phương. Hoặc ghi chép, gửi đến các cơ quan, ban, ngành chức năng liên quan đề nghị giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho nhân dân.

Cũng với vai trò là cầu nối, trong thời gian từ năm 2014 đến hết năm 2018, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã phối hợp tổ chức những hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa các doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh. Tại các hội nghị này, đã có 60 nội dung liên quan đến các thủ tục hành chính, mặt bằng sản xuất, cơ chế thu hút đầu tư do doanh nghiệp kiến nghị được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, nhiều ý kiến được trả lời, giải đáp trực tiếp, nhiều ý kiến được cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản. Mọi vướng mắc được giải quyết thấu đáo đúng luật, tạo cho nhân dân, doanh nghiệp yên tâm. MTTQ cũng đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổ chức hội nghị tham gia góp ý xây dựng 62 dự thảo luật; lấy ý kiến tham gia góp ý cho 189 dự thảo nghị quyết của HĐND liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Các hội nghị đối thoại và tiếp xúc cử tri diễn ra trong bầu không khí dân chủ, ứng xử văn minh giữa nhân dân với lãnh đạo các cấp. Và hơn thế, bức xúc dư luận được giải tỏa, tạo sự tin tưởng, phấn chấn cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả cao hơn. Trong thời gian này, MTTQ các cấp đã chủ trì giám sát 941 chuyên đề tại 1.192 đơn vị, cơ sở. “Chia sẻ” với MTTQ là sự vào cuộc của 180 ban thanh tra nhân dân và 250 ban giám sát đầu tư của cộng đồng, với tổng số gần 3.500 thành viên. Các ban thanh tra và ban giám sát đã thực hiện 5.850 cuộc thanh tra, giám sát, kết quả có 463 vụ việc được kiến nghị với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đề nghị can thiệp. Hầu hết các vụ việc nhân dân nêu ra đều được cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, mọi vướng mắc được khắc phục ngay.

Sự kết nối, sẻ chia còn được thể hiện thông qua hoạt động của Chương trình an sinh xã hội. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Từ năm 2014 đến hết năm 2018, Chương trình huy động được hơn 506 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.249 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với trị giá trên 43 tỷ đồng; trao tặng hơn 400.000 suất quà cho hộ nghèo. Hàng nghìn lượt người nghèo được hỗ trợ về giống, vốn phát triển sản xuất; khám chữa bệnh miễn phí bằng tiền từ Chương trình này.

Cây cầu nối mang tên đại đoàn kết đã như phép nhiệm màu làm mọi người trong xã hội xích lại gần nhau hơn. Qua đó tạo sự thông hiểu, hòa thuận nhờ các hoạt động tiếp xúc, giao lưu trực tiếp giữa cán bộ lãnh đạo các cấp với nhân dân, giữa các nhà hảo tâm với người nghèo; gây tạo được không khí thi đua yêu nước, nâng cao được nhận thức của nhân dân trước các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân trong việc xây dựng đạo đức, lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh.