“Chống rác thải nhựa”

09:35, 17/05/2019

Hiện nay, ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cả nước.

Chúng ta đều biết, tác động từ rác thải nhựa đã gây những thiệt hại nặng nề đối với môi trường tự nhiên, khiến nhiều đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng về rác thải. Theo các nhà khoa học, sản phẩm này thường được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng chục năm, có khi tới cả thế kỷ mới phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của chúng trong môi trường sẽ tác động xấu tới đất đai, nguồn nước, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ở Việt Nam, trong sinh hoạt thường ngày, người dân vẫn hay sử dụng các loại bao bì bằng nhựa hoặc túi nilong. Ở tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông phân phối, tiêu dùng đến thải loại, thu gom, xử lý đều phải sử dụng các sản phẩm bao bì này.

Để tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chuẩn bị phát động “Tháng hành động vì môi trường” và phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn (dự kiến tổ chức ngày 25-5 tại xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ). Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Được biết, sau lễ phát động, nhiều việc làm ý nghĩa sẽ được triển khai như: Phối hợp với Công ty TNHH Panasonic Việt Nam tiến hành đổi pin sinh thái cho người dân tại các địa điểm gần chợ hoặc tại UBND xã Hóa Thượng; tổ chức lớp học môi trường cho 100 học sinh trung học cơ sở ở huyện Đồng Hỷ; trồng 10.000 cây chè để tạo đường cảnh quan hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đối với xã Tức Tranh (Phú Lương). Cùng với đó, tiếp tục lan tỏa hoạt động bảo vệ môi trường thông qua việc gắn trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Cụ thể, phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh; tổ chức chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải nhựa, trồng cây xanh trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, khu dân cư; tích cực tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa bằng việc hạn chế, tiến đến không sử dụng chai đựng nước bằng nhựa dùng một lần và thay thế bằng các loại vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần như chai, bình bằng kim loại; tùy điều kiện cụ thể, có thể thay thế phông nền biểu ngữ in bạt nhựa bằng việc sử dụng màn hình tivi, màn chiếu, màn hình LED, chữ cắt dán bằng giấy tại các hội nghị, hội thảo, sự kiện… Đặc biệt, các địa phương tổ chức phát động ký cam kết tham gia phong trào "Chống rác thải nhựa” đến các cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn quản lý, đồng thời theo dõi giám sát việc thực hiện ký cam kết.

Bằng những hành động cụ thể, mỗi người dân hãy chung tay bảo vệ môi trường. Có thể từ những việc nhỏ nhất như: Tạo thói quen không sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; kêu gọi cộng đồng thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon; tích cực phát hiện, đấu tranh tố giác những vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng…