Trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có 3 bến đò ngang đủ điều kiện hoạt động tại các xã: Đông Cao, Tân Phú, Tiên Phong. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy của chủ phương tiện cũng như người dân vẫn chưa nghiêm túc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa bão.
Bến đò Chã, xã Đông Cao đã đi vào hoạt động nhiều năm nay. Những chuyến đò ngang là phương tiện được người dân 2 bên bờ sông Cầu là xã Đông Cao, T.X Phổ Yên (Thái Nguyên) và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) sử dụng để vận chuyển người, xe cộ, hàng hóa. Trung bình mỗi ngày, tại bến đò Chã có 500-700 lượt người qua lại. Theo quan sát của chúng tôi, khi qua sông, cả chủ đò và hành khách đều không sử dụng dụng cụ nổi cầm tay hoặc mặc áo phao theo quy định. Cùng với đó, đường đi xuống bến đò dốc lại nhỏ hẹp, đò hoạt động chủ yếu bằng dây kéo nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Anh Trương Văn Sáng, người dân huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: Vì thường xuyên qua T.X Phổ Yên để làm việc tại Khu công nghiệp Yên Bình nên tôi đi đò ngang cho tiện và tiết kiệm thời gian. Bản thân tôi biết bơi, mặt khác khi qua đò chủ phương tiện cũng chẳng mấy khi nhắc nhở nên không chỉ riêng tôi mà nhiều người đi đò không mặc áo phao.
Tìm hiểu thêm về vấn đề ATGT đường thủy tại một số bến đò ngang khác trên địa bàn T.X Phổ Yên, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Tại bến đò ngang Tân Thịnh, thuộc thôn Vân Trai, xã Tân Phú, người dân đều nói rằng chỉ khi nào mưa lớn, nước sông dâng cao thì họ mới mặc áo phao khi qua đò còn bình thường thì không. Theo đại diện chủ bến đò Tân Thịnh, trên phương tiện đều trang bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh, tuy chủ đò đã nhắc nhở nhưng người dân đều cho rằng thời gian ở trên đò không lâu, mặc áo phao vướng víu, bất tiện nên không mấy người tuân thủ. Thậm chí, nhiều hành khách khi lên đò còn dựng xe máy một chỗ rồi ra mạn đò đứng hóng gió, làm việc riêng mà chưa bao giờ quan tâm đến việc trên đò có áo phao hay không. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: Cùng với việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chính quyền địa phương cũng yêu cầu các chủ bến đò tuân thủ nghiêm các quy định khi hoạt động; không chở khách vào những ngày mưa lớn, vào buổi tối để tránh tai nạn đáng tiếc.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông ông Ngô Xuân Huy, Trưởng phòng Quản lý đô thị T.X Phổ Yên cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị xã đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức 3 đợt kiểm tra hoạt động tại các bến đò ngang. Tháng 4-2019, Đoàn kiểm tra đã có văn bản tạm dừng hoạt động của bến đò Bến Cả và Bến Lợi, xã Tân Phú. Mặc dù 3 bến đò ngang đủ điều kiện hoạt động (bến đò Chã, xã Đông Cao; bến đò Thù Lâm, xã Tiên Phong; bến đò Tân Thịnh, xã Tân Phú) nhưng vẫn còn những hạn chế như: Không có nhà chờ, biển báo, biển nội quy hoặc nội quy treo không đúng quy định. Trước thực trạng này, thị xã đã chỉ đạo các địa phương có bến đò ngang hoạt động khẩn trương khắc phục, làm các biển báo, cảnh báo và giải phóng mặt bằng tại khu vực đò hoạt động để việc đi lại của người dân thuận tiện hơn. Nếu để xảy ra mất ATGT đường thủy, chủ tịch UBND các xã phải chịu trách nhiệm trước UBND Thị xã.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân khi qua đò, hằng năm, thị xã đều cấp bổ sung áo phao và phao cứu sinh cho một số đò ngang; tuyên truyền, nhắc nhở các chủ đò và người dân chấp hành nghiêm các quy định khi đi đò. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động của các bến đò ngang còn gặp khó khăn, bởi ý thức của người dân chưa cao. Khi có lực lượng chức năng thì họ chấp hành nghiêm túc nhưng khi lượng chức năng đi khỏi thì cả chủ phương tiện và người dân đều không chấp hành, hoặc chấp hành nhưng chỉ mang tính chất đối phó.
Đang mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho hành khách đi đò, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định tại các bến đò ngang khi hoạt động; kiên quyết xử lý các chủ phương tiện, bến bãi hoạt động trái phép, không đảm bảo các điều kiện về ATGT. Cùng với đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo đảm an toàn khi đi trên các chuyến đò ngang.