Kết nối những tấm lòng thiện nguyện

08:15, 18/05/2019

Không chỉ tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, bằng sự uy tín của mình, những người chúng tôi đề cập trong bài viết này còn là trung tâm kết nối những tấm lòng hảo tâm. Hành động tự nguyện của họ đậm chất nhân văn và đầy ắp nghĩa tình.

Trong chia sẻ mới đây trên trang Facebook cá nhân của anh Nguyễn Kiên Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Định Hóa có đề cập đến hoàn cảnh của anh Phan Văn Lộc, ở xóm Bình Tiến, xã Bình Thành. Trong đó có đoạn: “Gia đình chỉ có hai mẹ con. Mẹ già đã 79 tuổi, đau yếu quanh năm nhưng vẫn phải còm cõi kiếm từng đồng và chăm sóc con trai 45 tuổi tật nguyền do ngã vào bếp. Anh Lộc bị bỏng rất nặng, môi dưới bị bửa ra, dính vào cằm không ngậm miệng được”. Được biết, thần kinh của anh Lộc không được như người bình thường, anh không có vợ, con và phải sống phụ thuộc vào mẹ già. Ngay sau khi thông tin đăng lên, có hàng chục lượt bình luận và chia sẻ trên Facebook. Những tấm lòng hảo tâm gửi tiền, quà để giúp đỡ anh Lộc đều được công khai rõ ràng.

Ngoài công tác chuyên môn, anh Nguyễn Kiên Cường hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Định Hóa, đồng thời là thành viên nhiều nhóm thiện nguyện khác. Trên trang cá nhân của anh, tôi đọc được nhiều hoàn cảnh khó khăn mà anh đã đến tận nơi tìm hiểu viết bài, có hình ảnh và thông tin rõ ràng. Cùng với đó, danh sách những tấm lòng hảo tâm, các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ bằng tiền và hiện vật cho các hoàn cảnh khó khăn. Anh Cường chia sẻ: “Chừng 3 năm trước, khi cùng một CLB đi tặng quà trên địa bàn huyện, tôi nhận thấy đây là hoạt động hết sức ý nghĩa. Là người địa phương, tôi thấy mình có điều kiện và cả trách nhiệm tìm hiểu, xác minh, kêu gọi giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”.

Từ suy nghĩ đó, anh đã dành nhiều hơn thời gian và tâm sức cho các hoạt động thiện nguyện. “Ngày nghỉ, nhiều người có thể thư giãn bằng một chuyến phượt, câu cá, lai rai tách trà, ấm rượu hoặc chọn nơi phong cảnh đẹp để thưởng ngoạn... Còn thành viên của CLB chúng tôi và nhiều nhóm khác tìm đến với những hoàn cảnh khó khăn, đó cũng là một niềm vui lớn” - anh Cường nói. Để hoạt động này thực sự ý nghĩa, đúng đối tượng, anh và đội ngũ cộng tác viên trực tiếp đi cơ sở, xác minh thêm qua chính quyền địa phương. Còn với những tấm lòng hảo tâm, dù nhiều hay ít đều có ghi chép và công khai rõ ràng nên tạo được uy tín. Nhiều trường hợp khó khăn nêu lên, có rất nhiều CLB khác biết đến, chủ động gửi quà giúp đỡ. Anh Cường thống kê cho chúng tôi kết quả rất đáng mừng: Từ khi thành lập tới nay, CLB Thiện nguyện Định Hóa đã khảo sát, đăng bài kêu gọi giúp đỡ 50 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức và phối hợp tổ chức 8 chương trình tặng quà cho hơn 300 hộ dân và học sinh, trị giá tiền mặt khoảng 200 triệu đồng; phối hợp với các tổ chức và địa phương vận động xây nhà cho 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Trong những lần đi công tác ở Định Hóa, tôi đặc biệt ấn tượng với những gian hàng thiện nguyện được mở dịp cuối tuần ở xã Bình Thành và thị trấn Chợ Chu. Các mặt hàng khá phong phú, từ quần áo, giày dép, chăn đệm đến các đồ dùng sinh hoạt cả cũ và mới. Người nghèo có thể thoải mái lựa chọn mang về số lượng nhất định mà không hề phải trả tiền. Người xây dựng ý tưởng và đóng góp nhiều công sức cho mô hình này là một cô giáo - chị Đỗ Kim Thoa, hiện công tác tại Trường Mần non xã Cù Vân (Đại Từ). Hẹn nhiều lần mới có dịp gặp trực tiếp bởi chị thường xuyên di chuyển khắp nơi, khi ở Thái Nguyên, lúc lại xuôi về Hà Nội, Bắc Ninh để kết với các tổ chức, cá nhân hảo tâm, lấy vật dụng giúp đỡ người nghèo. “Những ngày đầu làm thiện nguyện, tôi cứ đi suốt, chồng con còn chẳng mấy khi thấy mặt. Rất vui là mọi người trong gia đình đều hiểu và ủng hộ công việc của mình. Giờ thì phần lớn mọi người chủ động gửi đồ đến, không phải đến trực tiếp nữa” - chị tâm sự.

Chị Đỗ Kim Thoa là Chủ nhiệm 2 CLB là: Nối vòng tay lớn (trực thuộc Huyện đoàn Đại Từ) và Thiện tâm Thái Nguyên. Mỗi CLB có từ 20-30 thành viên chính thức, chủ yếu là cán bộ, công chức và hàng trăm cộng tác viên thường xuyên. Chị chia sẻ: “Hầu hết mọi người làm thiện nguyện xuất phát từ tấm lòng, không hề đòi hỏi ghi nhận hay tuyên dương. Điều họ cần là thông tin chính xác về những hoàn cảnh khó khăn và sự ủng hộ, giúp đỡ của mình mang lại ý nghĩa thiết thực. Do vậy, chúng tôi phải đến tận nơi, xác định rõ xem đâu là khó khăn thực sự, đâu là nghèo do lười lao động. Bản thân mình cũng phải gương mẫu, tiên phong trong các hoạt động”. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy CLB Nối vòng tay lớn có nhiều cách huy động sự chung tay góp sức rất sáng tạo. Điển hình là định kỳ tổ chức các buổi văn nghệ gây quỹ từ thiện. Các nguồn ủng hộ được trao trực tiếp tại buổi biểu diễn hoặc để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.

Thêm một tấm lòng nữa mà chúng tôi muốn nhắc đến là bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên). Hơn 60 tuổi đời, phân nửa thời gian bà dành cho các hoạt động từ thiện. Từ việc nhỏ như chia sẻ bơ gạo khi giáp hạt, cặp lợn giống không lấy tiền hay nhận giúp đỡ, nuôi dưỡng cả tháng nhiều trường hợp lang thang, không may gặp khó khăn hoạn nạn. Cá biệt, gia đình bà còn từng dành khoảnh đất rộng gần 200m2 cho mẹ con chị Dương Thị Cua ở cùng xã làm nhà ở và sinh sống.

Bà Oanh tâm sự: “Tâm huyết lớn nhất của tôi là làm sao kết nối, lan tỏa những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ thật nhiều hoàn cảnh khó khăn”. Đó cũng là lý do để bà đi đầu trong việc vận động quyên góp hũ gạo tình nghĩa và mô hình nồi cháo tình thương ở Bệnh viên Đa khoa Phổ Yên. Năm 2014, khi Hội Chữ thập đỏ T.X Phổ Yên tổ chức Chương trình “Bếp ăn tình thương”, bà và một số tình nguyện viên đã xin được nấu cháo phục vụ bệnh nhân nghèo vào trưa thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần. Tất cả nguyên liệu đều do thành viên đem từ nhà đến. Riêng cá nhân bà Oanh đã dùng hầu hết tiền phụ cấp hàng tháng mua thực phẩm nấu cháo cho bệnh nhân nghèo.

Tôi đã phỏng vấn những người trong bài viết này chung một câu hỏi: Bà/anh, chị thấy được gì nhất khi tham gia thiện nguyện, nhân đạo? Và câu trả lời của mọi người là: Với mỗi hoạt động thiện nguyện, chúng tôi không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, có cơ hội xích lại gần nhau. Quan trọng hơn là kết nối được những trái tim và sự nhiệt huyết để mầm thiện nguyện ngày một phát triển, lan tỏa bóng mát nhân văn trong xã hội.