Phòng, chống bệnh dại: Đừng chủ quan

10:21, 04/05/2019

Bệnh dại lây truyền qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh. 100% bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong. Dù chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát, nhưng người dân vẫn có thể chủ động phòng tránh. Nhưng hiện nay người dân vẫn còn chủ quan với bệnh này, hầu như năm nào tỉnh ta cũng có nạn nhân tử vong vì bệnh dại.

Làm nghề buôn chè, thường xuyên phải đi đến các hộ sản xuất để thu mua chè nhưng chị Nguyễn Thị Thanh, ở xóm Thượng Vụ 1, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) chẳng mấy khi quan tâm đến việc phòng, chống bệnh dại. Trong khi những hộ dân chị đến thu mua chè chủ yếu sống ở khu vực nông thôn và hầu như nhà nào cũng nuôi 1, 2 con chó để giữ nhà. Đầu tháng 2-2019, chị Thanh thấy trong người mệt mỏi, đau đầu, gia đình đưa đi bệnh viện khám thì mới biết chị đã bị nhiễm bệnh dại. Trước đó, đã từng bị chó cắn nhưng do chủ quan, chị Thanh không đi tiêm phòng huyết thanh kháng dại. Hậu quả, đến ngày 21-2, chị Thanh bị lên cơn dại và đã tử vong.

 

Không chỉ riêng trường hợp của chị Thanh, vài năm trở lại đây, năm nào tỉnh ta cũng có người chết vì bệnh dại. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 18 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Đa số các trường hợp tử vong là do bệnh nhân không nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, không thông báo cho cơ quan y tế và gia đình, không đi tiêm, tự ý chữa bằng thuốc nam. Có trường hợp đi tiêm vắc xin nhưng quá muộn, khi đã lên cơn dại mới đi khám, tiêm. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng liên tục tăng. Chỉ tính riêng quý I/2019, toàn tỉnh có trên 2.700 người phải tiêm vắc xin/huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó nghi dại cắn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã khám, tư vấn tư vấn cho 4.360 lượt bệnh nhân, tiêm phòng bệnh dại 1.231 bệnh nhân, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Đi thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, đa số người dân, nhất là ở khu vực nông thôn chưa quan tâm đúng mức đến việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Thêm vào đó, thói quen nuôi chó thả rông tiềm ẩn nguy cơ lớn cho cộng đồng cũng như gây khó khăn cho cán bộ thú y trong việc theo dõi, vận động chủ vật nuôi tiêm vắc xin phòng dại. Trước thực trạng trên, công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dại và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo luôn được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm, chú trọng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Năm nào chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương tổ chức chiến dịch ra quân tiêm đồng khởi vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh dại và cách phòng chống. Các hình thức tuyên truyền cũng rất đa dạng, gồm có: Tuyên truyền phát thanh lưu động; treo băng rôn, khẩu hiệu tại những nơi tập trung đông dân cư; phát các tờ rơi, tờ bướm với hình ảnh, nội dung ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu.

Năm nay, sau đợt 1 ra quân tiêm đồng khởi vắc xin dại trên đàn chó, tỉnh ta đã tiêm được trên 145.000 liều vắc xin phòng dại cho chó, mèo với tỷ lệ đạt khoảng 50% số chó, mèo trên toàn địa bàn. Đợt 2 (dự kiến tổ chức vào tháng 9, 10), tỉnh phấn đấu tiêm đạt 10.000 liều. Mỗi vật nuôi sau khi tiêm vắc xin đều được cấp giấy chứng nhận để ngành Thú y và người nuôi cùng quản lý, theo dõi, tạo được sự tin tưởng và đồng thuận của người dân.

Có thể thấy, những nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương sẽ góp phần tăng ý thức, trách nhiệm của người nuôi chó, mèo. Nhưng bên cạnh đó, vai trò giám sát của cộng đồng dân cư cũng là yếu tố quan trọng để góp phần hạn chế, đẩy lùi các nguy cơ lây truyền bệnh dại.

Khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần thực hiện những biện pháp sau để phòng ngừa lây nhiễm vi rút dại:

- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn, cào trong 15 phút với nước và xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.

-Tuyệt đối không dùng các loại thuốc lá để bôi hay đắp lên vết thương, có thể làm cho tình trạng bệnh nặng lên hay mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.