Kỹ năng sống là điều cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Đối với thanh, thiếu nhi, điều này càng quan trọng vì đây là lứa tuổi chuẩn bị bước vào đời. Thời gian qua, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đã luôn quan tâm triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp các em trang bị những kỹ năng cần thiết để làm hành trang vững bước trong tương lai.
Thực tế trong công tác giáo dục hiện nay, việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống đã và đang được các Nhà trường tích cực triển khai, lồng ghép trong các tiết học, hoạt động ngoại khóa. Qua đó góp phần không nhỏ giúp các em có kiến thức, kỹ năng xã hội. Cùng với nhà trường, vấn đề này cũng được nhiều bậc phụ huynh quan tâm, chú trọng.
Anh Nguyễn Hùng Sơn, tổ 16, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: “Với điều kiện kinh tế và phong cách sống đổi mới như hiện nay, nhiều gia đình không dành được cho con cái sự quan tâm đúng mức cần thiết, dẫn đến việc các cháu thụ động, ỷ lại, không biết các kỹ năng thiết yếu nhất trong cuộc sống. Con trai tôi học lớp 6, trước đây không bao giờ tự gấp quần áo, chăn màn, không biết giúp bố mẹ quét nhà, rửa bát. Thế nhưng từ năm 2017, khi tôi cho cháu theo học chương trình Học kỳ quân đội do Tỉnh đoàn và Trường Quân sự Quân khu I tổ chức, cháu đã có những thay đổi rõ rệt. Dịp hè sắp đến, tôi có ý định cho con tham gia học thêm kỹ năng tại Nhà Thiếu nhi Thái Nguyên để cháu tiếp tục rèn luyện”.
Giống với mong muốn của anh Sơn, nhiều bậc cha mẹ đã lựa chọn dịp hè để cho con em mình tham gia các khoá học kỹ năng sống với nguyện vọng dù ít hay nhiều con mình sẽ đổi thay, sẽ trưởng thành hơn. Chính vì vậy, trong thời gian qua, các khoá học kỹ năng như bơi lội, kỹ năng mềm, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng giao tiếp ứng xử… luôn “hút” học viên. Những chương trình không chỉ giúp các em học kiến thức văn hóa, mà còn nắm bắt được nhiều vấn đề trong cuộc sống, như kỹ năng giao tiếp, nhận thức đúng sai đối với nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội; các kỹ năng sinh tồn như tập bơi lội để phòng tránh đuối nước; hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông để không xảy ra tai nạn giao thông hay có khả năng ứng phó, phòng chống với nhiều tệ nạn xã hội khác… từng bước giúp các em hình thành nhân cách một cách vững vàng và toàn diện.
Cùng với các cấp, ngành, việc tuyên truyền, phổ biến kỹ năng sống tới thiếu nhi, học sinh cũng được nhiều tổ chức từ thiện quan tâm triển khai. Thành lập từ năm 2014, Câu lạc bộ (CLB) từ thiện Nụ cười của em đã tổ chức nhiều chương trình nhằm phổ biến, cung cấp những kỹ năng sống, kỹ năng an toàn, xử lý tình huống cho các em thiếu nhi, học sinh nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh. Với gần 100 thành viên, mỗi người một ngành, nghề khác nhau nhưng họ đều có chung mục đích là góp phần giúp các em nhỏ được trang bị những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Anh Đỗ Quý Hân, thành viên CLB cho biết: “CLB hoạt động theo hình thức tự nguyện với nguồn kinh phí vận động từ các thành viên, các nhà hảo tâm từ khắp mọi nơi. Trung bình mỗi năm, CLB tổ chức 5-6 chương trình nhằm phổ biến những kỹ năng sống, kỹ năng ab toàn cho các em học sinh tiểu học trong tỉnh. Thông qua các tiểu phẩm, các trò chơi ngoại khóa, các câu hỏi tương tác về các kỹ năng xử lý tình huống khi bị đuối nước; phòng, tránh điện giật, ngộ độc thức phẩm, động vật gây thương tích; kỹ năng xử lý tình huống thường ngày xảy ra trong cuộc sống… CLB đã truyền tải những nội dung, kiến thức cần thiết giúp các em biết cách để xử lý một số tình huống rủi ro, nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và người xung quanh. Qua mỗi chương trình, CLB cũng hỗ trợ nhiều phần quà thiết thực cho các em học sinh nghèo vượt khó, có hoàn cảnh khó khăn như xe đạp, học bổng, quần áo, dụng cụ học tập”.
Một buổi học ngoại khóa tuyên truyền về Luật Giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn của Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình).
Với đối tượng thanh niên và sinh viên, kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử là chính là nền tảng trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Qua việc tham gia các chương trình, hoạt động do tổ chức Đoàn, Hội tổ chức, nhiều bạn trẻ đã dần trau dồi được vốn kỹ năng nhất định làm hành trang trong tương lai của mình. Nông Hoàng Dũng, sinh viên Khoa Thể dục Thể thao, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Trước đây, em vốn là một người khá nhút nhát, sống khép kín, ngại giao lưu, giao tiếp với những người xung quanh. Bước chân vào giảng đường đại học, được tham gia vào các câu lạc bộ, đội, nhóm có cùng sở thích trong trường, các hoạt động do Đoàn trường tổ chức, em đã mạnh dạn và tự tin hơn rất nhiều. Giờ đây, em có thể đứng trước đám đông phát biểu, trình bày một ý kiến nào đó một cách rõ ràng mà không e ngại nữa”.
Kỹ năng sống là điều thực sự cần thiết cho mỗi người, đặc biệt với lứa tuổi thanh, thiếu nhi, giúp cho các bạn trẻ thể hiện kiến thức, thái độ và các giá trị, hành vi lành mạnh nhằm giảm thiểu nguy cơ có hại cho sức khỏe và cải thiện cuộc sống của mình. Từ đó bạn trẻ biết đặt mục tiêu, thể hiện sự kiên định trước những cám dỗ trong cuộc sống. Giáo dục kỹ năng sống có nhằm nâng cao nhận thức, trang bị thái độ và hành vi tích cực, lành mạnh và là một hình thức can thiệp sớm, có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa những hành vi lệch lạc của giới trẻ. Vì vậy, công tác giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho thanh, thiếu nhi cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội.