Cần xử lý triệt để tình trạng sạt lở ở Tân Thái

14:04, 18/06/2019

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tại quả núi thuộc địa phận xóm Yên Thái, xã Tân Thái (nằm giáp tỉnh lộ 270 tại Km 17+803) tiếp tục xuất hiện vết nứt tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đe dọa đến tính mạng, đời sống và sản xuất của các hộ dân ở chân núi.

Trước đó, năm 2018, địa phương đã phát hiện một số vết nứt ở khu vực này và báo cáo cơ quan chức năng. UBND tỉnh đã cho người đến kiểm tra hiện trạng và ngày 6/9/2018 UBND tỉnh đã có văn bản số 2516 giao Sở Giao thông - Vận tải xử lý vị trí sạt lở ở đây. Tháng 12-2018, công trình xử lý sạt lở được Sở thực hiện theo phương pháp đào giật 5 bậc từ đỉnh núi đến chân núi. Trên mặt bậc thiết kế rãnh cơ và được gia cố bằng lớp bê tông xi măng với mục đích giữ ổn định mặt bậc và thu nước chảy vào rãnh xây đá có bậc nước. Tháng 2-2019, công trình hoàn thành với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau trận mưa cuối tháng 5-2019, khu vực này lại xuất hiện vết nứt dọc, ngang trên một phần mái taluy đã đào bạt trước đó.

Ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thái cho biết: Qua kiểm tra thực tế cách đây hơn 2 tuần chúng thấy đã xuất hiện 6 vết nứt tại bậc mặt ở các bậc bê tông, rộng từ 2 đến 6cm. Bậc taluy đất có 2 vết nứt dài từ 20 đến 40m, rộng từ 10 đến 15cm, sâu vào trong lòng đất từ 1 đến 1,5m. Với hiện trạng nêu trên, chúng tôi nhận thấy khu vực này đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và sụt lún, đe doạ an toàn cho người và phương tiện đi qua đoạn đường này. Nguy hiểm nhất là 14 hộ dân đang sống gần đây, đặc biệt có 5 hộ ở chân núi.

Thực tế tại khu vực này, chúng tôi thấy mái taluy có nhiều vết nứt kéo dài sau trận mưa ngày 16-6. Ông Đoàn Văn Tứ, một hộ dân sống ngay dưới chân núi cho biết: Mỗi khi trời mưa, gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ lo mưa lớn, đất đá sạt xuống tràn lấp nhà cửa. Còn ông Ngô Văn Năm cùng ở khu vực này thì bảo: Mưa lớn xảy ra vào ban đêm, người dân không nắm bắt để ứng phó với tình trạng sụt lún, sạt lở…

Có thể thấy, tình trạng sạt lở, sụt lún taluy của quả núi và công trình chống sạt lở ở ngay giáp đường tỉnh 270 thuộc địa phận xóm Yên Thái đang ở mức báo động. Điều này chứng tỏ, công trình khắc phục sạt lở tại xóm Yên Thái do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư vừa thực hiện đã  không giải quyết được triệt để tình trạng sạt lở tại đây.

Ông Đỗ Xuân Hoà, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Để ứng phó với tình hình trên, ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương, chúng tôi đã kiểm tra thực tế và nắm bắt. Qua đó đã chỉ đạo xã Tân Thái cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực nứt đất và đoạn đường có nguy cơ sạt lở; tuyên truyền, cảnh báo người dân hạn chế đi lại và thực hiện các hoạt động khác trong khu vực xảy ra sạt lở đất đá; hằng ngày, địa phương huy động lực lượng tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi, cảnh báo kịp thời tình trạng sạt lở cho người dân phòng, tránh; thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình, nếu thấy hiện tượng vết nứt mở rộng, có nguy cơ mất an toàn phải có phương án di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo, phối hợp giải quyết…

Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đó chỉ là tình thế trước mắt, còn về lâu dài, các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên đánh giá hiện trạng địa chất, tìm hiểu rõ nguyên nhân gây nứt đất để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Cụ thể, nên cho khoan thăm dò địa chất, đánh giá mức độ sạt trượt. Trường hợp không đáp ứng được an toàn thì có phương án bóc dỡ hết toàn bộ đất đá tại khu vực có nguy cơ sạt lở. Phương án này một mặt tránh được sạt trượt, mặt khác tạo được mặt bằng để xây dựng khu dân cư tập trung, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương…

Hiện nay đang là mùa mưa bão, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, cộng với đặc điểm ở đây là khu vực núi cao, kết cấu đất thiếu bền chặt, lại có nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân.