Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã nhấn mạnh: Cần sớm chấm dứt tình trạng “tham nhũng vặt”. Các cấp, các ngành phải tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết công việc…
“Tham nhũng vặt” được biểu hiện chủ yếu qua việc nhận hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công. Có thể là tình trạng chạy chọt, lót tay trong quá trình giao dịch với các cơ quan công quyền để nhanh chóng được việc. Đây là thực trạng còn khá phổ biến, đang gây bức xúc đối với người dân, DN, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức Nhà nước. Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực, song tệ nạn tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt” vẫn còn nhức nhối. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, DN để sách nhiễu, gây phiền hà. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn còn yếu.
Với Thái Nguyên, hiện nay, chưa có bất cứ một đánh giá cụ thể nào về tình trạng "tham nhũng vặt" ngoại trừ các trường hợp bị phát hiện và xử lý được công bố hàng năm. Theo khảo sát của chúng tôi, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các diễn đàn DN và các cuộc trao đổi hẹp giữa các DN, nhóm doanh nhân, thì thực trạng DN phải chi phí các khoản không chính thức ở đâu đó vẫn tồn tại. Tại một số cuộc tiếp xúc cử tri là DN, đã có doanh nhân thẳng thắn cho rằng, từng bị cán bộ cấp cơ sở “gợi ý” chi phí thêm khi làm các thủ tục hành chính. Có trường hợp bị gây khó khăn, yêu cầu làm đi làm lại thủ tục để vòi vĩnh. Tại đây, có DN còn chia sẻ, khi bị cán bộ cơ sở trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính “hành”, đã không chịu nổi phải báo lãnh đạo cấp trên của đơn vị này can thiệp mới xong việc.
Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng hàng năm của tỉnh đều cho thấy tình hình tham nhũng ít nhiều vẫn xảy ra trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và thiếu sự kiểm tra, giám sát của đơn vị chủ quản để hoạt động phạm tội.
Để loại trừ tệ nạn tham nhũng, trong đó có “tham nhũng vặt”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Chỉ thị này tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN và có những biện pháp, nội dung chỉ đạo quyết liệt, mang tính đột phá; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương về tinh thần phục vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực, tham nhũng. Chỉ thị này phải được phổ biến rộng rãi, đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, “tham nhũng vặt” xuất phát từ thiếu đạo đức công vụ của cán bộ công quyền, nên trước tiên người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải chú trọng công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục và quản lý cán bộ, công chức dưới quyền. Thực tế cho thấy, ở cơ quan đơn vị nào mà người đứng đầu quan tâm chỉ đạo, quản lý, giám sát nghiêm cán bộ thì sẽ ít có trường hợp vi phạm. Nếu buông lỏng thì chính là đang cổ súy cho “tham nhũng vặt”, tiến tới tham nhũng lớn. Cần thiết phải quyết liệt trong cải cách hành chính, rút ngắn về thời gian giải quyết các thủ tục, công khai hóa trên bảng điện tử, mạng thông tin của bộ phận “một cửa”. Đặc biệt, người dân cần thay đổi thói quen xin xỏ, lót tay mỗi khi vi phạm hoặc muốn giải quyết thủ tục hành chính. Mặt khác, người dân cần nâng cao hiểu biết pháp luật, sẵn sàng đấu tranh với tệ “tham nhũng vặt”…