Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 11 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Tất cả những DN này đều không có địa điểm kinh doanh, trụ sở chi nhánh đặt tại tỉnh khiến cho các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, năm 2019, Sở đã xác nhận thông báo bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh cho 11 DN với 12.500 người tham gia. Các DN này chủ yếu kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng gia dụng… Hầu hết là doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, có trụ sở hoặc văn phòng đặt tại T.P Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh. Trong đó, có thể kể tên một số DN quy mô lớn như: Công ty TNHH Amway Việt Nam; Công ty TNHH Herbalife VN; Công ty MTV New Image VN. Đây là các đơn vị chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hàng gia dụng..
Để quản lý các DN bán hàng đa cấp, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND về phối hợp liên ngành trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định Sở Công Thương là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Anh Nguyễn Hoành Hải, cán bộ Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Theo quy định của Chính phủ, các DN bán hàng đa cấp chỉ cần gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương mà không cần có địa điểm cố định và thời gian hoạt động cụ thể. Vì thế Sở Công Thương không thể quản lý, kiểm tra hoạt động của các đơn vị này. Đồng quan điểm với ông Hải, ông Trần Xuân Trường, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 nói: Riêng tại T.P Thái Nguyên đã có 7/11 DN đăng ký bán hàng đa cấp thuộc quản lý của Đội Quản lý thị trường số 2.
Tuy nhiên, điều bất cập là các đơn vị này đều không có trụ sở hoạt động để lưu trữ hàng hóa nên lực lượng quản lý thị trường không thể xác minh, nắm bắt và theo dõi kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm về hàng hóa theo quy định. Hơn nữa, người đăng ký thông báo bán hàng của các DN đa cấp thường không phải là người đại diện DN mà chỉ làm nhiệm vụ thông báo tới Sở Công Thương khi DN đó sắp tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị theo quy định. Vì thế, chúng tôi thường khó liên hệ với người đại diện DN để nắm bắt được thông tin và quản lý việc bán hàng. Còn kiểm tra phương thức tuyên truyền, vận động hội viên tham gia kinh doanh có đúng với bản chất bán hàng đa cấp hay không lại do cơ quan công an. Trong khi điều này là không dễ vì việc bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng nên có thể kinh doanh mọi lúc, mọi nơi. Các đơn vị kinh doanh đa cấp bất chinhs sẽ lợi dụng “kẽ hở” này để hoạt động
Trước khó khăn nói trên, các ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về kinh doanh đa cấp, khuyến cáo đến mọi người những DN hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp nhưng chưa được cấp phép. Về phía người dân cũng nên cẩn trọng, cảnh giác hơn khi tham gia vào các tổ chức, đơn vị bán hàng đa cấp khi được mời chào quảng cáo là “một vốn bốn lời” đồng thời khi phát hiện thấy những DN bán hàng đa cấp bất chính người dân hoặc người tham gia mạng lưới cần tố giác đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới (Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính Phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp) |