Xã Lương Phú (Phú Bình) đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Sau khi đạt chuẩn, xã không bằng lòng với những kết quả đạt được mà nỗ lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng các tiêu chí cũng như đời sống nhân dân. Đến nay, diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay.
Một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp đến Lương Phú và nhận thấy xã đã có nhiều thay đổi so với 5 năm trước đây. Những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, các công trình nhà văn hóa, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang… Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Phú cho biết: Sau khi đạt chuẩn NTM, xã vẫn luôn quan tâm, đề ra nhiều giải pháp và tiến hành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm để không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, nhất là nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Xã đã triển khai đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; kiện toàn Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã để cụ thể hóa các nhiệm vụ tới từng thôn, xóm.
Với mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, với trên 200ha đất nông nghiệp sản xuất 2 vụ, hằng năm, các cấp hội, đặc biệt là Hội Nông dân xã đã tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích hợp, hiệu quả. Theo đó, người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây lâu năm như dưa chuột, ớt xuất khẩu, khoai tây, lạc, địa liền; triển khai cánh đồng 1 giống lúa, lúa lai với tổng diện tích 80ha/năm; phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại… Bà Lại Thị Liên, xóm Phú Lương chia sẻ: Những năm qua, nhận thấy trồng dưa chuột cho nguồn thu cao, tôi đã dành ra 2 sào để trồng dưa bao tử, dưa chuột. Với giá bán ổn định từ 8-10 nghìn đồng/kg, lại có Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của địa phương thu mua tại vườn, tôi không phải mất công ra chợ bán. Trung bình mỗi vụ, tôi thu về 15 triệu đồng/sào. Ngoài ra tôi cũng trồng thêm mướp đắng, ngô ngọt… Với 5 sào màu, vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày gia đình tôi đều thu được đôi ba trăm nghìn đồng để chi tiêu.
Để giúp bà con nhân dân có thêm đồng vốn trong sản xuất kinh doanh, các tổ chức hội, đoàn thể trong xã tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thông qua các tổ vay vốn. Qua đó, nhiều gia đình đã được vay vốn, đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Đến nay, toàn xã có trên 700 hộ chăn nuôi, 25 hộ kinh doanh thực phẩm; 6 trang trại và trên 50 gia trại; 5 cơ sở ấp nở gia cầm, cung ứng 2 vạn con giống/năm ra thị trường; có 1 hợp tác xã chăn nuôi thu hút 34 hội viên tham gia… Nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất đã giúp thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện đạt 39 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 17 triệu đồng so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 7,9% xuống còn 3,9%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%.
Song song với việc phát triển kinh tế, quan tâm chăm lo đời sống cho người dân, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí để giữ vững chuẩn… Từ sau năm 2014 đến nay, người dân địa phương vẫn tiếp tục tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến hàng nghìn m2 đất để kiên cố thêm 5km đường ngõ xóm, nội đồng đảm bảo đúng tiêu chuẩn; sửa chữa các tuyến kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Hiện, 100% đường trục liên xã, liên thôn đã được đổ bê tông, 55% kênh mương nội đồng được cứng hóa, góp phần phục vụ tốt nhu cầu giao thương, sản xuất nông nghiệp của người dân. Với những tiêu chí dễ biến động như tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn thực phẩm), xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm đến môi trường như: Tăng cường vệ sinh, quét dọn đường làng, ngõ xóm; trồng nhiều hoa, cây xanh; xây dựng hầm bể biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, giảm thiểu mùi hôi trong chăn nuôi; mỗi gia đình đã có một hố rác thải tại chỗ và tự giác phân loại nguồn rác thải của gia đình; xã có 100 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng… Cùng với đó, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xã vận động các hộ kinh doanh thực phẩm ký cam kết, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, đến thời điểm này, về cơ bản các tiêu chí NTM của xã Lương Phú vẫn đang dần nâng cao về chất lượng. Theo lãnh đạo xã, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song thời gian tới, xã sẽ tiếp tục giữ vững các tiêu chí, đồng thời tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.