Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đồng bào

15:09, 12/06/2019

Những năm qua, cùng với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch, nhóm giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, huyện Đại Từ đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đó mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của bà con và làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc, miền núi.

Trên địa bàn huyện Đại Từ có 12 dân tộc anh em cùng chung sống (gồm: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Mường, Hoa, Ngái, Giáy, Thái, Mông). Trong đó, đồng bào DTTS sống chủ yếu ở các xã: Phúc Lương, Đức Lương, Na Mao, Minh Tiến và Quân Chu. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách dân tộc, từ đó góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc và miền núi. Đặc biệt, huyện chú trọng tập trung nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS.

Cụ thể, huyện đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2014-2018 là trên 100 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên 27,7 tỷ đồng... Thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, từ năm 2014-2017, Đại Từ cũng đã triển khai nguồn vốn trên 14,5 tỷ đồng với 4.566 hộ dân được hưởng lợi… Từ các nguồn vốn chính sách, những năm qua, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Đại Từ được hỗ trợ xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân, thay đổi diện mạo nông thôn. Việc thực hiện tốt các chính sách, chương trình đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện. Trong năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện là 12,27%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 10,25% đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 6,4%.  

Người dân xã Hoàng Nông thu hái chè.

Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm đến công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người DTTS, đồng thời nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, miền núi. Cùng với đó, công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện tốt. Các loại hình văn hóa phi vật thể đang được lưu truyền trong nhân dân tiếp tục được coi trọng, lưu giữ và phát triển, như: Lễ cấp sắc, đám cưới, Tết nhảy (của người Dao); hát then, đàn tính (của người Tày); Hát Sấng Cọ (của người Sán Chay)…

Từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chính sách dân tộc, huyện Đại Từ đã rút ra một số kinh nghiệm sau: Nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước phải cụ thể hóa Nghị quyết thành những chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên, khắc phục tư tưởng tự ty, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Nâng cao vai trò phối hợp của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác dân vận tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng DTTS; đề cao cảnh giác, chủ động đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng DTTS, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ trong việc tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện tốt quy ước, hương ước thôn, xóm. Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư tại các vùng dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân; triển khai thực hiện phải công khai, minh bạch, dân chủ để nhân dân nắm được, từ đó tham gia giám sát đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chương trình.

Một tiết mục biễu diễn của Câu lạc bộ Then huyện Đại Từ.

Trong giai đoạn 2019-2024, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc. Tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống mọi biểu hiện cục bộ gây chia rẽ mất đoàn kết giữa các dân tộc. Thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo huy động tối đa các nguồn lực của địa phương, đồng thời thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin hướng về cơ sở; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...