Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở Định Hóa: Chú trọng bảo đảm quyền lợi cho nhân dân

08:59, 24/07/2019

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Định Hóa đã tiến hành các bước rà soát, xây dựng kế hoạch, đề án và lấy ý kiến tri về việc sáp nhập 2 xã: Kim Sơn và Kim Phượng để thành lập xã Kim Phượng nhằm đảm bảo các tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định. Kết quả lấy ý kiến cử tri với tỷ lệ đồng ý đạt 96,7% cho thấy người dân đã thực sự đồng thuận, thống nhất cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở.

Theo kết quả rà soát của UBND huyện Định Hóa, xã Kim Sơn là đơn vị hành chính cấp xã duy nhất trên địa bàn huyện không đạt 50% cả 2 tiêu chí về quy mô dân số và diện tích tự nhiên theo quy định. Cụ thể, diện tích tự nhiên của xã chỉ đạt 10,28km2, quy mô dân số 2.222 người. Vì vậy, xã Kim Sơn thuộc diện phải sáp nhập theo tinh thần của Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021. Sau khi xem xét các yếu tố đặc thù về mặt địa lý, lịch sử, văn hóa, dân tộc… UBND huyện Định Hóa đã xây dựng Đề án sáp nhập xã Kim Sơn với xã Kim Phượng để thành lập một đơn vị hành chính mới dự kiến tên gọi là xã Kim Phượng. Do xã Kim Sơn và Kim Phượng có vị trí địa lý liền kề nhau lại có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, dân tộc nên việc sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới sẽ có điều kiện tốt hơn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục được tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, đồng thời, giảm chi ngân sách cho bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã…

Thực hiện Đề án nêu trên, sau khi có các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện Định Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức hội nghị tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và cử tri của 2 xã Kim Sơn và Kim Phượng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc, băn khoăn từ phía người dân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết: Ban đầu khi triển khai Đề án, một bộ phận không nhỏ người dân địa phương băn khoăn, lo lắng vì sau khi sáp nhập sẽ phải làm lại nhiều giấy tờ như: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… Trong khi đó, mặc dù có vị trí địa lý liền kề nhau những giữa 2 xã lại chưa có đường giao thông nối liền khiến việc đi lại của người dân sau khi sáp nhập sẽ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, hiện nay Kim Sơn đang là xã 135, trong khi đó, Kim Phượng là xã nông thôn mới. Vì vậy, người dân xã Kim sơn lo lắng sau khi sáp nhập sẽ không còn được thụ hưởng các chế độ, chính sách theo Chương trình 135 nữa. Các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức xã cũng không tránh khỏi tâm lý băn khoăn khi tới đây sẽ phải sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.

Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, huyện Định Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nhằm vận động, giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Thông qua các buổi đối thoại, một số vấn đề cán bộ, nhân dân băn khoăn, huyện đã đưa hướng giải quyết rất cụ thể. Theo đó, để đảm bảo việc đi lại giao thương của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát để đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nối liền 2 xã Kim Sơn và Kim Phượng với chiều dài 3,5km, tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 13 tỷ đồng. Trong thời gian chờ tuyến đường xây dựng hoàn thành vẫn duy trì hoạt động song song 2 trụ sở UBND xã để việc đi lại giải quyết các thủ tục hành chính của người dân được thuận lợi. Sau khi sáp nhập, người dân sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí chuyển đổi các loại hồ sơ, giấy tờ theo quy định.

Đối với chế độ chính sách của người dân vùng 135, hiện nay Nhà nước đang áp dụng theo địa bàn thôn đặc biệt khó khăn trong danh sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên sau khi sáp nhập, người dân vẫn được thụ hưởng các chế độ chính sách như cũ. Ngoài ra, huyện cũng ban hành hướng dẫn cụ thể về việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức xã, cán bộ khối đảng, đoàn thể, HĐND, người hoạt động không chuyên trách… không làm ảnh hưởng đến vị trí việc làm cũng như chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức.

Sau khi được tuyên truyền, vận động, giải thích, cán bộ, nhân dân đã có sự đồng thuận, thống nhất cao. Bà Trần Thị Tiền, xóm Bản Mới, xã Kim Phượng cho biết: Tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc sáp nhập 2 xã Kim Sơn và Kim Phượng. Bởi thực tế chỉ đơn giản là chuyển đơn vị hành chính, địa danh chứ người dân không phải di chuyển đi đâu. Trên cơ sở đó, ngày 19-7 vừa qua, HĐND huyện Định Hóa đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập xã Kim Sơn và xã Kim Phượng thành xã Kim Phượng theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.
Những ngày này, câu chuyện về việc 2 xã Kim Sơn và Kim Phượng được sáp nhập thành một đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương. Người dân mong muốn cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên tiếp tục đoàn kết, tập trung trí tuệ đề ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo nền tảng để củng cố đoàn kết trong nhân dân sau khi sáp nhập.