Nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm cả về chi phí và thời gian đi lại… là những tiện ích dễ nhận thấy từ dịch vụ bưu chính công ích (DVBCCI). Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà còn góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh.
Cầm trên tay chứng minh nhân dân của mình được gửi đến tận nhà, anh Trần Văn Đông, ở xóm 6, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) tỏ vẻ rất hài lòng. Anh nói: “Tôi đăng ký làm lại chứng minh nhân dân tại Công an thị xã, ở đó có nhân viên bưu điện giới thiệu và tôi đã đăng ký dịch vụ trả kết quả tại nhà. Mức thu phí 26 nghìn đồng, thời gian hẹn trả là một tháng. Tuy vậy, mới 22 ngày tôi đã được gửi tận tay. So với quãng đường 15km để tới lấy trực tiếp thì phương thức này rõ ràng ưu việt hơn nhiều”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm Đoàn Kết, xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên) cũng cho rằng: “Tôi từng sử dụng một số DVBCCI và nhận thấy rất thiết thực, tiện lợi vì giảm đáng kể thời gian đi lại giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nhất là với người ở xa và thường xuyên bận công việc”.
Bắt đầu triển khai thực hiện từ giữa năm 2018, số người sử dụng DVBCCI trên địa bàn T.X Phổ Yên ngày càng tăng. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Văn phòng UBND, Công an và Bưu điện thị xã đều có nhân viên trực để giới thiệu và tiếp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ của công dân. Chị Vũ Thị Bích Hường, nhân viên kinh doanh của Bưu điện T.X Phổ Yên cho biết: Cơ bản khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ tốt, tiện ích và mức thu phí phù hợp. Đáng chú ý là số người sử dụng dịch vụ lần đầu thấy hiệu quả, tiếp tục đăng ký ở những lần sau đó chiếm tỷ lệ cao.
Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác cung ứng dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua DVBCCI vào tháng 6-2017. Trên cơ sở đó, Bưu điện tỉnh đã triển khai đến các điểm bưu cục; tăng cường phối hợp với các sở, ngành và bộ phận “một cửa” của UBND cấp huyện để tuyên truyền cho các tổ chức xã hội và người dân biết về dịch vụ này. Các đơn vị trực thuộc Bưu điện tỉnh cũng phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh thông tin về cơ sở, đến tận các thôn xóm. Hiện nay, đơn vị đã niêm yết thông tin chấp nhận, chuyển phát TTHC, bảng giá cước tại các sở, ngành ký hợp đồng cung ứng dịch vụ và tất cả các bưu cục. Đồng thời bố trí nhân viên trực tiếp tư vấn và thực hiện dịch vụ cho khách hàng tại bộ phận “một cửa” của một số địa phương như: Phổ Yên, Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai… Các dịch vụ đang được khách hàng sử dụng phổ biến là: Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội; chuyển phát hồ sơ bảo hiểm xã hội; chuyển, trả kết quả chứng minh nhân dân, hồ sơ lĩnh vực đất đai, phiếu lý lịch tư pháp... Việc chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng cam kết với cơ quan giải quyết TTHC và người dân.
Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, số lượng khách hàng sử dụng DVBCCI trên địa bàn đã tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, năm 2017 có 56.720 hồ sơ; năm 2018 là 72.608 hồ sơ và 7 tháng của năm 2019 đã đạt kết quả tương đương năm 2018 với 73.004 hồ sơ. Chị Hoàng Thị Kim Ngà, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Bưu điện tỉnh khẳng định: Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua DVBCCI mang đến nhiều tiện ích cho tổ chức và người dân, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, giảm tải công việc, áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước. Đối với khách hàng, có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức sử dụng DVBCCI là: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Việc nhận hồ sơ được thực hiện tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.
Cũng theo chị Hoàng Thị Kim Ngà, dù đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ song số lượng khách hàng sử dụng DVBCCI vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với chỉ tiêu của ngành giao; chủ yếu mới là nhận kết quả THTC, trong khi đăng ký gửi hồ sơ còn hạn chế. Nguyên nhân là người dân chưa nghiên cứu và hiểu rõ những giấy tờ, thủ tục cần thiết với từng bộ hồ sơ (nội dung này được niêm yết cụ thể trên trang web cổng giao tiếp dịch vụ công của tỉnh); phần lớn còn tâm lý e ngại khi gửi các loại giấy tờ có giá trị, như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận quyền sử dụng đất, học bạ, bằng tốt nghiệp…nên thường đến nộp trực tiếp. Ngoài ra, người đứng đầu một số địa phương, sở ngành chưa thực sự quan tâm đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cũng khiến số lượng hồ sơ sử dụng DVBCCI còn thấp.
Để tiếp tục nâng cao số lượng và tỷ lệ hồ sơ TTHC sử dụng DVBCCI, Bưu điện tỉnh đang tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân biết những tiện ích khi sử dụng dịch vụ; đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Bưu điện tỉnh đã đề xuất bố trí trụ sở bưu điện để phục vụ bộ phận “một cửa” cấp huyện, xã và được một số địa phương chấp thuận chủ trương. Khi triển khai thực hiện điều này, các địa phương sẽ tiết kiệm được ngân sách đầu tư cơ sở vật chật, hệ thống bưu điện với vai trò là doanh nghiệp thì tham gia nhiều hơn và hiệu quả hơn trong việc cung cấp các DVBCCI.