Ngày 8-8, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Tế bào gốc - Máu cuống rốn (Bệnh viện Phụ Sản Trung ương) trực tiếp lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn (lấy máu cuống rốn) cho sản phụ N.T.H.M, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) (ảnh).
Theo ThS. BS. Ngô Toàn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm, người trực tiếp tiến hành lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn của sản phụ thì cuống rốn là một bộ phận giúp cung cấp dinh dưỡng nuôi thai nhờ sự kết nối thai nhi với nhau thai trong tử cung người mẹ. Máu cuống rốn là máu được lấy từ cuống rốn và nhau thai sau khi sinh con và cắt rốn. Trước đây, cuống rốn và nhau thai thường được bỏ đi sau mỗi ca sinh nở như một loại rác thải y tế. Tuy nhiên, thực tế máu cuống rốn là nguồn cung cấp dồi dào tế bào gốc tạo máu. Những tiến bộ y học hiện nay đã chỉ ra rằng những tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn có thể sử dụng để điều trị các rối loạn tương tự như các tế bào gốc tạo máu được tìm thấy trong tủy xương và trong máu ngoại vi.
Ngoài ra, tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: Cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào gan, tế bào thận, tế bào não, tế bào phổi, tế bào da và tế bào tuyến tụy... Vì vậy, ngoài điều trị huyết học, tế bào gốc máu cuống rốn còn được nghiên cứu trong điều trị nhiều bệnh lý khác như tổn thương tim, tổn thương tuỷ sống, tổn thương não. Nếu lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn, sau này khi trẻ chẳng may mắc bệnh cần dùng tế bào gốc để điều trị, đây sẽ là nguồn tế bào gốc phù hợp nhất, không gây ra những phản ứng thải ghép của cơ thể. Thậm chí nếu người thân trong gia đình cần sử dụng tế bào gốc để điều trị thì khả năng phù hợp giữa người bệnh và mẫu tế bào gốc của trẻ sẽ cao hơn so với nguồn tế bào gốc từ những người không cùng huyết thống.
Trên thực tế, việc phối hợp lấy máu cuống rốn giữa hai đơn vị không chỉ giúp người dân trong tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận giảm được chi phí đi lại, ăn, ở; tiết kiệm được thời gian... mà còn giúp chuyển giao kỹ thuật tiên tiến này theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa sản của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Từ đó, Bệnh viên có thể chủ động áp dụng kỹ thuật này khi người dân có nhu cầu...
Được biết đây là trường hợp thứ hai lấy máu cuống rốn tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Số máu lấy được (80ml) sẽ được xử lý trong 24 giờ và được bảo quản, lưu trữ tại Trung tâm Tế bào gốc - Máu cuống rốn.