Danh dự - đó là lý do để những cựu dân quân Trung đội 1, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) hội nhau lại. Họ là những dân quân tập trung thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. “Tam Thành” là tên gọi tắt của Trung đội, vì lực lượng của Trung đội được huy động người từ 3 xóm: Bắc Thành, Trung Thành và Nam Thành.
Họ giờ đều đã già, nhưng câu chuyện về một thời tham gia phục vụ chiến đấu, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn T.P Thái Nguyên luôn tươi mới, gợi mỗi người sống lại thời trẻ trung, hồn nhiên trước nhiệm vụ của tuổi trẻ. Ông Hoàng Văn Trường, 82 tuổi, cho biết: Là một thành viên của Trung đội 1 dân quân, tôi chỉ biết thực thi mệnh lệnh khi được cấp trên huy động. Tôi nhớ biên chế của Trung đội có hơn 30 người, đều dân “Tam Thành”. Chúng tôi sống thân thiện, đi vác đạn, đào hào, dựng hầm kèo phục vụ bộ đội chiến đấu hoặc đi tuần tra bảo vệ an ninh trật tự còn mang theo khoai lang, ngô luộc, cơm nắm chia nhau ăn… Câu chuyện của một thời áo vá, ăn độn cùng cả nước đánh giặc của lão cựu dân quân làm không khí trong ngôi nhà ông Nguyễn Văn Nhuần, xóm Bắc Thành trở nên sôi nổi. Những kỷ niệm riêng im lìm ngủ sâu trong lòng ký ức từ hàng chục năm nay, chợt thức dậy, sống động.
Thời gian như dòng sông mang theo tuổi xuân đời người. Nhiều cựu dân quân đã chìm vào khỏa lấp của thế giới siêu hình. Còn lại bây giờ là 16 bà lão, ông lão ở tuổi chân chậm, mắt mờ, quen việc trông các cháu nội, ngoại để con cái dảnh dang làm ăn. Trong số các cựu dân quân của Trung đội 1 tôi gặp, ông Trường không chỉ là bậc cao niên nhất, mà còn có thâm niên tham gia dân quân nhiều nhất - 17 năm, từ năm 1958 đến năm 1975. Ông khiêm tốn, kiệm lời khi chia sẻ với mọi người về chuyện tham gia dân quân, vì theo ông: Thời đất nước có chiến tranh, mình không được ra mặt trận thì ở nhà tham gia đội ngũ dân quân, cứ chấp hành, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là yêu nước rồi…
Ông Nguyễn Văn Nhuần kể: Bấy giờ huyện Đồng Hỷ đóng ở khu vực xóm Nam Thành, Bắc Thành nên Trung đội 1 được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia cùng lực lượng quân đội, công an bảo vệ an ninh, trật tự cho các cơ quan huyện. Chính vì thế, hầu hết những người tham gia Trung đội 1 dân quân, dù không cùng đợt, nhưng đều được cấp trên tuyển chọn khá kỹ lưỡng. Đặc biệt, toàn bộ dân quân trong Trung đội 1 đều được cấp súng, đạn K44. Bản thân tôi được giữ 1 khẩu từ năm 1968 đến hết năm 1972… Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Hoa, xóm Trung Thành cho biết: Nữ dân quân chúng tôi cũng được huấn luyện các thao tác cơ bản về tháo lắp súng, ngắm bắn. Nhưng thực ra chúng tôi chỉ được bắn đạn thật vào bia tập, chứ chưa bắn thực chiến bao giờ… Nhưng đi làm nhiệm vụ, súng luôn bên mình, dân quân chúng tôi là như thế.
Chân chất, mộc mạc đến từng lời, nhưng từng câu chuyện của các cựu dân quân “Tam Thành” tôi được nghe cứ như từng thước phim sống động. Đó là những năm tháng giặc mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đội ngũ dân quân “Tam Thành” với khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa tham gia phục vụ chiến đấu. Ông Nguyễn Văn Hàng, xóm Trung Thành chia sẻ: Là dân quân, chúng tôi được huy động tham gia làm nhiều công việc khác nhau tại địa phương, như đào hào, xây dựng công sự, lấp vá hố bom và tuần tra canh gác bảo vệ cơ quan huyện. Đỡ lời cho ông Hàng, bà Phạm Thị Ái, xóm Nam Thành kể: Việc tuần tra, canh gác, phòng gian, bảo mật được Trung đội cắt cử thành từng nhóm 3 người. Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, dân quân “Tam Thành” chúng tôi không để xảy ra việc đáng tiếc. Cùng ở xóm Nam Thành, ông Trần Văn Thành kể: Trung đội nhiều lần được cấp trên huy động đi đào giao thông hào, đắp ụ pháo, chặt tre, gỗ làm lán, hầm phụ giúp các đơn vị bộ đội chủ lực sẵn sàng chiến đấu, chủ yếu ở địa bàn các xã: Quyết Thắng, Phúc Trìu và Thịnh Đức. Nhiều lần dân quân thắp đèn, đào hầm hào vào ban đêm.
Năm 1968, máy bay địch rơi tại địa bàn xóm Bắc Thành, lực lượng dân quân “Tam Thành” được huy động đến bảo vệ hiện trường cùng các đơn vị chức năng. Mỗi nhiệm vụ được giao đều là trọng trách, vinh dự đặt lên vai người dân quân. Bà Nguyễn Thị Ngân, xóm Nam Thành chia sẻ: Tôi có 9 năm tham gia lực lượng dân quân, từ năm 1964 đến hết năm 1972. Tôi được Trung đội huy động đi làm nhiệm vụ nhiều đợt. Đợt nào cũng nhớ, nhưng khắc sâu nhất vào lòng tôi là đợt Trung đội được huy động tham gia cùng các lực lượng khác trên địa bàn tỉnh đi đào huyệt, chôn cất các liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái. Hôm đó, sáng sớm ngày 25/12/1972, tức là sau trận bom B52 trút xuống ga Lưu Xá (Gia Sàng) ít giờ. Đau thương, tang tóc, tất cả chúng tôi vừa khóc, vừa làm việc và đã làm hết sức để đồng chí mình yên nghỉ.
Câu chuyện của bà Ngân và các cựu dân quân gợi lại một niềm đau của chiến tranh, nhưng cũng khắc họa được phần nào sự gian khổ, cống hiến của đội ngũ dân quân cả nước, trong đó có đội ngũ dân quân “Tam Thành”, đã đóng góp công sức cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đảng, Nhà nước đã ghi nhận công lao cho những người tham gia đội ngũ dân quân bằng chính sách ưu đãi thỏa đáng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, các cựu dân quân “Tam Thành” vẫn chưa ai được hưởng chế độ, chính sách theo quy định, dù họ đã có xác nhận của những người trong cuộc và các cấp, ngành liên quan.