Rộn ràng đón Trung thu

09:51, 12/09/2019

Rằm Trung thu luôn được thiếu nhi hào hứng đón chờ nên ngay từ những ngày đầu tháng Tám Âm lịch, từ gia đình, khu dân cư đến các trường học trên địa bàn tỉnh đều ngập tràn không khí hân hoan, náo nức chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu. Ai cũng mong muốn mang đến cho trẻ em một ngày hội thật ý nghĩa, vui vẻ để có thêm động lực cho năm học mới.

Được sự đồng ý của các bậc phụ huynh, từ gần 2 tháng trước, một nhóm học sinh của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã miệt mài “chế tác” một chiếc đèn “khủng” hình con hổ để rước trong đêm Rằm Trung thu. Ngắm chiếc đèn, chúng tôi thầm khâm phục trí tưởng tượng phong phú của các bạn trẻ bởi chiếc đèn được thiết kế khá kỳ công, dài hơn 3m, cao 2,5m, màu vàng được vẽ thêm sọc đen trông rất bắt mắt. Em Vũ Đức Thái, lớp Địa K29 - đại diện cho nhóm chia sẻ: Chúng em tranh thủ ngày nghỉ, phân công nhau làm từng phần việc để không ảnh hưởng đến học tập. Chiếc đèn hình con hổ được thực hiện trên ý tưởng chung của nhóm, mong muốn nó sẽ trở thành hình ảnh nổi bật trong đêm hội rước đèn ở Thành phố. Để làm được chiếc đèn cỡ lớn như vậy, chúng em tốn khá nhiều công sức và cả chi phí, nhưng nhờ có sự thống nhất cao và được các phụ huynh ủng hộ nên công việc rất thuận lợi. Hiện nay, chiếc đèn đã gần hoàn thành, chỉ chờ đến đúng hôm Rằm là mang xuống phố góp vui cùng mọi người.

Hòa chung với không khí náo nức của các bạn trẻ Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, hiện nay, khâu chuẩn bị đón Tết, Trung thu ở mọi nơi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn tất. Thậm chí không chờ đến chính ngày Rằm, nhiều nơi đã rộn ràng tổ chức rước đèn, phá cỗ cho thiếu nhi. Tại tổ 20, phường Quang Trung, tối 10-9 (tức 12-8 Âm lịch), hàng chục em thiếu nhi đã háo hức đến Nhà văn hóa tổ để được tham gia rước đèn, phá cỗ do tổ dân phố tổ chức. Mặc dù thời tiết năm nay không thuận lợi, nhưng không khí vẫn tưng bừng, rộn ràng, các em cũng cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm yêu thương của người lớn dành cho mình. Ông Phan Văn Hội, Tổ trưởng tổ dân phố số 20 nói: Chúng tôi tổ chức sớm cho các cháu là để các cháu hưởng trọn niềm vui trong dịp Tết Trung thu. Bởi những ngày sau đó, cơ quan, đơn vị nơi phụ huynh công tác, các trường học cũng thường tổ chức rước đèn phá cỗ cho các cháu. 

Có thể thấy, với người dân T.P Thái Nguyên, không khí Tết Trung thu đã bắt đầu tràn về khi một số tuyến đường xuất hiện các cửa hàng bày bán quà, bánh cũng như đèn lồng, đèn ông sao rực rỡ sắc màu. Còn tại các khu dân cư, trường học, thanh, thiếu nhi bắt đầu tất bật, rộn ràng với công tác chuẩn bị cho đêm hội trăng Rằm truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Trung thu, như xây dựng chương trình, kịch bản, phân vai thực hiện tiểu phẩm kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng sao cho độc đáo, sinh động, làm đèn lồng, đèn ông sao, tổ chức rước đèn…

Với thiếu nhi ở vùng nông thôn, miền núi, Tết Trung thu của các em dù đơn giản nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp. Đến xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) những ngày này, không khí chuẩn bị cho Tết Trung thu đang diễn ra rộn ràng. Các ông bố, bà mẹ dành 1-2 buổi nghỉ lên nương để đi kiếm tre, mua giấy màu về làm đèn ông sao cho con em mình. Hơn 20 hộ gia đình ở đây cũng họp bàn nhau góp tiền mua bánh kẹo, đồ chơi, chuẩn bị các chương trình “cây nhà lá vườn” để các em nhỏ được đón Tết Trung thu vui vẻ và đầm ấm. Chị Triệu Thị Tam, người dân trong xóm cho biết: “Xóm chúng tôi còn khó khăn, nhiều gia đình ở cách xa nhà văn hóa, đi lại vất vả nên chúng tôi tổ chức đón Rằm Trung thu cho các cháu vào chiều 158 (Âm lịch). Dù đơn giản nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp, các cháu rất háo hức, mong chờ đến ngày Rằm”.

Để tạo cho thiếu nhi dịp Tết Trung thu vui vẻ, bổ ích, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng kế hoạch và có văn bản hướng dẫn các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi an toàn, tiết kiệm, lành mạnh với các hoạt động như văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, vui hội trăng Rằm… phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi.

Mỗi địa phương có phong tục, tập quán, cách làm riêng, song điểm chung là đều mong muốn cho các cháu thiếu nhi hiểu về ý nghĩa của Tết Trung thu, kể những câu chuyện về tình yêu bao la của Bác Hồ dành cho thiếu nhi; biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt đã có hoạt động giúp đỡ, ủng hộ trẻ em. Tết Trung thu là dịp để toàn xã hội cùng chung tay chia sẻ về vật chất, tinh thần, nhất là đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm chăm lo và tình yêu thương của xã hội, trẻ em trên mọi miền đều được hưởng một Tết Trung thu đầm ấm, đủ đầy.