Trang thiết bị trạm y tế xã thừa mà thiếu

08:50, 20/09/2019

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, các trạm y tế xã đã được trang bị một số máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, phần vì trình độ cán bộ ở các trạm còn hạn chế hoặc máy móc được trang bị đã lâu, không thông dụng nên dẫn đến tình trạng thừa mà thiếu.  

Năm 2014, Trạm Y tế thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được Sở Y tế cấp 1 máy siêu âm. Cũng trong khoảng thời gian đó, từ dự án Atlantic (Chương trình hợp tác phát triển y tế giữa Tổ chức Atlantic Philanthropies/ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam), Trạm được trang bị thêm máy điện tim và máy xét nghiệm nước tiểu. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Đức Khiêm, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Sông Cầu, từ khi được cấp, tần suất sử dụng các thiết bị này không nhiều. Trung bình mỗi năm chỉ dùng khoảng 70 – 80 lần và chủ yếu được sử dụng trong các chiến dịch khám, chữa bệnh. Sau 3 năm sử dụng, máy điện tim và máy xét nghiệm nước tiểu đã hỏng và không thể sử dụng. Máy siêu âm hiện vẫn còn tốt nhưng ít được khai thác. Nguyên nhân thì có nhiều như: Máy được trang bị là máy đen trắng, dịch vụ siêu âm lại không nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả. Trong khi đó, người bệnh được khám, chữa bệnh thông tuyến cùng các cơ sở dịch vụ bên ngoài đã sử dụng máy siêu âm màu, đa chiều từ nhiều năm nay.

Giống như ở Thị trấn Sông Cầu, Trạm Y tế xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) cũng được trang bị máy siêu âm đen trắng, máy điện tim và máy xét nghiệm nước tiểu nhưng hiện nay chỉ máy siêu âm có thể sử dụng được còn máy điện tim và máy xét nghiệm nước tiểu đã hỏng từ lâu. Theo bác sĩ Lê Dược Giảng, hằng ngày rất ít khi dùng đến máy siêu âm. Mỗi năm 1, 2 lần có đực hiện chiến dịch khám, chữa bệnh trong cộng đồng như chăm sóc sức khỏe sinh sản thì mới sử dụng. Những lúc ấy, Trạm phải mời bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ vì hiện nay Trạm chưa có bác sĩ đủ chuyên môn thực hiện kỹ thuật này. 

Ở Trạm Y tế xã Dân Tiến (Võ Nhai), tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Từ nhiều năm trước, Trạm cũng được trang bị máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm nước tiểu nhưng rất ít khi sử dụng đến. Bác sĩ Lương Văn Long, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ: Trạm được trang bị máy điện tim và máy xét nghiệm nước tiểu từ năm 2010, 2011. Tuy nhiên lúc đó, Trạm chưa có người vận hành về máy điện tim nên bỏ phí nhiều năm liền. 

Đến năm 2015, tôi được đi học thì năm 2016 máy bị hỏng. Hơn nữa, máy được cấp không phải loại thông dụng nên vật tư sử dụng kèm theo (giấy in nhịp điện tim) có sự khác biệt, rất khó tìm trên thị trường nên khi dùng hết số lượng giấy đi kèm, máy đành bỏ không. Máy xét nghiệm nước tiểu cũng vậy. Hiện nay, máy vẫn hoạt động được nhưng vì không tìm được loại que thử dùng riêng cho loại máy này nên chúng tôi đành… cất vào kho.

Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, các trạm y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng khám, chữa bệnh và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều trạm y tế cấp xã khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp tình trạng như đã nêu trên. Hầu hết các thiết bị y tế đều đã được trang bị từ lâu với công nghệ lạc hậu hoặc đã hỏng không thể sử dụng được. Nhiều trạm có thiết bị nhưng bác sĩ chưa được đi bồi dưỡng chuyên môn để vận hành, sử dụng. Chưa kể, đó là các thiết bị điện tử để lâu ngày ít sử dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và dễ hỏng. Trong khi đó, sự phát triển của y học hiện đại ngày càng tiến xa, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ cũng cần cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục. Bởi vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tế, sự phát triển của xã hội cũng như khoa học, kỹ thuật, các trạm y tế cấp xã rất mong được sửa chữa, thay thế các máy móc đã bị hỏng và cấp thêm những trang thiết bị hiện đại, cùng với đó là đào tạo nhân lực để nâng cao hiệu quả trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe người bệnh ngay từ tuyến cơ sở