Sáng 20-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt với 62 điểm cầu trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan (ảnh).
Hội nghị được triển khai nhằm thực hiện sự chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Theo đó, trước tháng 12-2019, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phải triển khai các giải pháp thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, hiện nay, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta vẫn thu tiền mặt, chỉ một số ít bệnh viện lớn đã áp dụng thanh toán điện tử, hiệu quả đạt được chưa cao, thiếu tính đồng bộ…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các địa phương và cơ sở y tế… đều khẳng định những lợi ích to lớn, thiết thực của việc thanh toán khám chữa bệnh không dùng tiền mặt cho cả người dân, bệnh viện và xã hội. Theo đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt khá đa dạng trong phương thức thanh toán như: Qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, thiết bị di động thông minh, ví điện tử quét mã QR, cổng thanh toán điện tử... Đối với người dân không có thẻ và tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế sẽ phối hợp với ngân hàng triển khai giải pháp thanh toán (như thẻ khám chữa bệnh tích hợp thẻ ngân hàng) để việc thanh toán không dùng tiền mặt có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Một số đại biểu cũng kiến nghị, để việc triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, ngành y tế cần sớm thực hiện kết nối liên thông giữa các bệnh viện; thẻ của các ngân hàng này có thể sử dụng rút tiền ở các ngân hàng khác; cần sớm triển khai thẻ thông minh đa năng tích hợp thanh toán ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ công, dịch vụ xã hội…
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị giữa các cơ quan chức năng của Bộ với các ngân hàng thương mại, các công ty trung gian cần tích cực, chủ động trong việc phối hợp để đưa ra các phương thức triển khai sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Các câu từ giải thích, hướng dẫn dịch vụ phải đơn giản, dễ hiểu, tránh dùng những từ khó hiểu khiến người dân ngại hoặc không muốn sử dụng phương thức thanh toán này…
Đối với Thái Nguyên, tính đến nay, chưa có bệnh viện nào trên địa bàn triển khai phương thức thanh toán điện tử. Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế, trong tháng 10 tới, Sở sẽ triển khai kế hoạch thanh toán điện tử đến các cơ sở y tế, trong đó sẽ triển khai thực hiện trước ở các bệnh viện tuyến tỉnh.