Xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) vừa tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào đầu tháng 8-2019. Đó là kết quả của sự nỗ lực, là niềm phấn khởi, tự hào của người dân và cán bộ xã miền núi khó khăn này. Nhưng bên cạnh niềm vui đó, không ít người dân trong xã vẫn băn khoăn, thắc mắc về những điều họ cho rằng thiếu công khai, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực.
Thuận Đức là một trong số xóm của xã Minh Đức đang được hưởng chế độ 135. Những con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội của xóm trước kia nay được thay bằng những tuyến đường bê tông uốn lượn qua những vườn cây ăn quả, những ngôi nhà khang trang khiến diện mạo NTM hiện hữu rõ nét. Riêng cuối năm ngoái, xóm huy động người dân hiến đất và đối ứng làm được gần 3km đường bê tông, có điều, đường đã nghiệm thu nhưng một số người vẫn bàn ra tán vào, thắc mắc vì cho rằng có khuất tất. Anh Phạm Văn Nam, một người dân nói: Tuyến đường bê tông từ ĐT.261 đi Bến Cao bị làm ẩu, chỗ cần kè thì không có kè nên đường vừa đổ bê tông được vài hôm đã nứt vỡ hàng chục m2 và phải làm lại. Còn việc thu, chi để làm tuyến từ ngã ba Hùng Vụ đến đập xóm Hồ, cán bộ xóm không giải thích rõ ràng, mỗi lúc nói một khác. Nhà thầu còn dùng cọc gỗ giữ cốp pha đổ kè đường, sau đó để nguyên trông rất phản cảm. Một số đoạn đường mới làm xong vài tháng nay đã bị nứt, bong tróc, trơ sỏi khiến chúng tôi nghi ngờ chất lượng, khối lượng vật liệu không đảm bảo.
Vẫn liên quan đến tuyến đường từ ngã ba Hùng Vụ đến đập xóm Hồ, một số người dân xóm Thuận Đức (đề nghị giấu tên) còn phản ánh họ phải nộp tiền “môi giới” cho một cán bộ xã để được đăng ký đổ bê tông từ trục chính vào các nhóm hộ (có gần 10 ngõ như vậy). Người dân cũng cho biết, ông Lý Duy Hồng hiện là cán bộ không chuyên trách của xã phụ trách thú y kiêm giao thông - xây dựng, đồng thời đang là giám đốc một hợp tác xã có hoạt động xây dựng nhưng lại đứng ra nhận thầu với xóm, sau đó chuyển cho một nhà thầu khác thi công. Thêm nữa, người dân khẳng định tại một số ngõ, họ phải nộp tiền đối ứng nhiều hơn chiều dài thực tế. Các khoản tiền đối ứng, người dân nộp trực tiếp cho Trưởng xóm và không được nhận phiếu thu, Trưởng xóm cũng là người trực tiếp chi…
Nói về những thông tin và thắc mắc đó của người dân, bà Ngô Thị Nhạn, Trưởng xóm Thuận Đức phân trần: Việc làm đường, chúng tôi đều họp xóm và công khai với người dân, có thể một số người không đi họp nên không được nắm được thông tin chính xác. Chúng tôi không biết có việc một số hộ phải nộp tiền “môi giới” cho cán bộ xã hay không, việc đổ bê tông các ngõ là do người dân và nhà thầu thống nhất, xóm không can thiệp. Việc ông Lý Duy Hồng nhận thầu làm đường bê tông với xóm sau đó chuyển cho nhà thầu khác là có nhưng chúng tôi chỉ thỏa thuận bằng mồm. Còn một số đoạn đường bị xuống cấp nhanh có thể do nhà thầu trộn bê tông quá loãng. Từ khi làm Trưởng xóm đến nay, tôi đều trực tiếp thu của người dân và chi, tuy không có phiếu thu nhưng tôi ghi chép cẩn thận. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Chưa biết uy tín cũng như hiệu quả công tác dân vận của đội ngũ cán bộ xóm Thuận Đức đến đâu, người dân đồng thuận ra sao, nhưng có một thực tế nhiều người khẳng định là mỗi buổi họp dân của xóm này chỉ có khoảng 20 - 30/108 đại diện gia đình đến dự (!). Không riêng Thuận Đức, việc huy động sức dân và thi công đường bê tông NTM tại một số xóm của xã Minh Đức theo người dân cũng “có vấn đề” về chất lượng và thiếu minh bạch. Ví dụ như xóm Hồ 1, cụ thể là việc làm tuyến đường bê tông từ cầu Kỳ Sơn đi Trạm điện Núi Đinh dài trên 800 mét vào năm 2014. ông Trần Bá Quang, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm cho rằng có khuất tất và chất lượng tuyến đường không đảm bảo...
Theo chân ông Trần Bá Quang, chúng tôi đi thực tế các tuyến đường bê tông của xóm Hồ 1. Điều khá dễ nhận thấy là tuyến đường từ cầu Kỳ Sơn đi Trạm điện Núi Đinh dù mới đưa vào sử dụng vài năm nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp. Trong khi, tuyến khác làm trước đó 1 năm thì chất lượng mặt đường còn tốt hơn hẳn (?!).
Tất cả những vấn đề đó được chúng tôi nêu ra trong cuộc làm việc với ông Hoàng Mạnh Quân, Chủ tịch UBND xã Minh Đức. Theo ông Quân, vì gấp rút hoàn thiện các tiêu chí NTM, riêng năm 2018, xã đã dồn lực tập trung làm mới, nâng cấp 42,6km đường bê tông, xây mới và sửa chữa nhiều nhà văn hóa xóm. Chủ tịch UBND xã Minh Đức khẳng định gần đây không thấy thông tin người dân phản ánh tiêu cực liên quan đến làm đường, dù đây đó có chuyện thiếu công khai, dân chủ. Về thực trạng một số tuyến đường bê tông nhanh xuống cấp, ông Quân cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nhà thầu đã trộn xi măng quá loãng…
Như chúng tôi đã nêu ở trên, việc một xã miền núi khó khăn như Minh Đức hoàn thành 19 tiêu chí NTM đúng kế hoạch, 1 năm làm tới hơn 42km đường bê tông và nhiều nhà văn hóa xóm là sự nỗ lực rất lớn, đáng ghi nhận. Nhưng việc không ít người dân phản ánh về sự thiếu công khai và một số dấu hiệu tiêu cực cần phải được địa phương này sớm làm rõ, nếu không phát hiện sai phạm thì ít nhất cũng có thể rút ra những bài học về dân vận. Xây dựng NTM hay triển khai công trình, dự án nào bên cạnh đảm bảo tiến độ thì chất lượng là yêu cầu quan trọng hàng đầu, đặc biệt là luôn cần công khai, dân chủ.