Nhiều năm qua, trong khi trung bình mỗi năm, tỷ lệ giảm nghèo của xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) chỉ đạt trên dưới 5%, thì năm 2018 - năm xã được huyện giao nhiệm vụ về đích nông thôn mới (NTM), tỷ lệ này lại đạt tới 20% (với 509 hộ thoát nghèo). Vậy tại sao lại có kết quả này? Những vấn đề gì được đặt ra trong công tác giảm nghèo hiện nay?
Chỉ giảm theo đúng chỉ tiêu
Theo báo cáo tổng kết công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018 của Đảng ủy xã Nam Hòa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra là giảm 3,5% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo hiện có (cả xã khi đó có 796 hộ nghèo trong tổng số 2.592 hộ trong toàn xã)… Tuy nhiên, sau khi được Ban Thường vụ Huyện ủy giao nhiệm vụ về đích NTM vào năm 2018 (trước 1 năm theo kế hoạch) thì Nghị quyết số 06-NQ/ĐU ngày 14/3/2018 của Đảng ủy xã Nam Hòa, một trong những mục tiêu được đưa ra là “phấn đấu hết năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo cập chuẩn theo tiêu chí NTM”. Nghĩa là, tỷ lệ giảm nghèo của xã khoảng 20%). Kết quả, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 11,3%.
Đồng chí Trần Gia Cát, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Những năm trước, xã đã đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất nên đời sống người dân ngày một nâng cao. Đặc biệt, số người tham gia lao động tại các doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhất là tại Công ty May TNG Đồng Hỷ và Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên (đều nằm trên địa bàn xã).
Vậy nếu xã không được giao chỉ tiêu về đích NTM vào năm này thì tỷ lệ giảm nghèo của xã có cao như vậy? Và có hộ nào đã đủ điều kiện thoát nghèo nhưng trước năm 2018 vẫn trong danh sách hộ nghèo? Đồng chí đồng chí Trần Gia Cát khẳng định: Không có chuyện hộ đủ điều kiện thoát mà vẫn để nghèo. Còn việc xã được huyện giao về đích sớm hơn 1 năm chính là động lực quan trọng để cả cán bộ và người dân trong xã có thêm quyết tâm thực hiện tiêu chí giảm nghèo và 5 tiêu chí còn lại. Còn theo đồng chí Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã, từ nhiều năm nay, huyện giao chỉ tiêu bao nhiêu, Nam Hòa giảm bấy nhiêu, luôn hoàn thành kế hoạch.
Ý kiến từ cơ sở
Trong khi đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho rằng chính sự xuất hiện của Công ty May TNG Đồng Hỷ và việc mở rộng sản xuất của Công ty cổ phần Luyện kim đen trong năm 2018 đã giúp cho hàng trăm lao động của xã được tạo việc làm mới nhưng trên thực tế, trong năm này, số lao động của Công ty cổ phần Luyện kim đen vẫn ổn định như nhiều năm trước (khoảng 200 lao động, trong đó chiếm 50% là người Nam Hòa). Còn với Công ty May TNG thì mãi tháng 8-2018, mới mua lại nhà máy từ Công ty cổ phần May thời trang DG Việt Nam, với 280 lao động đang làm việc và đến tháng 10-2018, mới tăng thêm 120 lao động. Điều này đồng nghĩa, sự tác động của 2 công ty trên đối với chỉ tiêu giảm nghèo của xã trong năm 2018 hầu như không đáng kể. Đối với số lao động đi làm tại các khu công nghiệp cũng vẫn có nhưng không đột biến. Vậy đâu là bản chất của vấn đề?
Đồng chí Vi Xuân Cao, Bí thư Chi bộ xóm Gốc Thị - xóm có số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhiều nhất trong năm 2018 chia sẻ: Với 222 hộ dân, năm qua, Gốc Thị đã giảm được 60/93 hộ nghèo và 41/41 hộ cận nghèo. Xóm hiện chỉ còn 33 hộ nghèo, không còn hộ cận nghèo. Nguyên nhân nào khiến số hộ nghèo, cận nghèo giảm mạnh trong năm 2018? Ông Vi Xuân Cao thẳng thắn: Trên thực tế, nhiều hộ trước đó đã thoát nghèo vì có vợ hoặc chồng, thậm chí là cả 2 vợ chồng đi làm tại các công ty nhưng do phải thực hiện theo chỉ tiêu xã khống chế nên xóm cũng chỉ đưa ra khỏi danh sách số lượng hộ đã được giao. Đã một vài lần tôi đề nghị với xã cho xóm giảm nghèo theo tình hình thực tế, nhưng xã bảo nếu làm vậy thì những hộ “phát sinh” (ngoài chỉ tiêu được giao) sẽ không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều này dễ dẫn đến sự bì tị giữa các hộ. Riêng năm 2018, do xã về đích NTM nên xóm được giảm theo thực tế. Đồng chí Vi Xuân Cao cho biết thêm, mới đây, xóm cũng đã thực hiện xong việc bình xét hộ nghèo của năm 2019. Trong số 33 hộ nghèo còn lại, có khoảng 20 hộ đủ điều kiện ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng chỉ tiêu xã giao là 10 hộ nên chúng tôi cũng chỉ bình xét 10 hộ.
Còn theo đồng chí Miêu Văn Long, Trưởng xóm Đồng Chốc - cũng là một trong những xóm có số hộ nghèo giảm mạnh năm 2018: Lúc chưa có kế hoạch về đích NTM năm 2018, xóm tôi được giao giảm 26 hộ. Sau đó, được giao tăng lên 41 hộ. Và kết quả bình xét cuối năm, xóm tôi giảm đúng 41 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo. Hằng năm, xã giao bao nhiêu, xóm giảm bấy nhiêu. Năm 2019, xóm được giao chỉ tiêu giảm 7 hộ thì cả 7 hộ này đều xung phong thoát nghèo. Đồng chí Miêu Văn Long cho rằng, việc giảm nghèo sẽ thuận lợi hơn cho xóm khi được cấp trên giao chỉ tiêu, vì đó căn cứ quan trọng để xóm sẽ tiến hành bình xét. Gia đình nào có kinh tế khá hơn sẽ phải thoát nghèo trước.
Vấn đề đặt ra
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lâu nay, công tác giảm nghèo từ trung ương cho đến xã, xóm đều được thực hiện theo kế hoạch được giao. Trung ương giao cho tỉnh, tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã, xã giao cho xóm. Nếu không có gì đột biến thì nhìn chung, hầu hết các địa phương cũng chỉ hoàn thành theo đúng kế hoạch, nếu có vượt cũng không đáng kể, vì phần lớn người dân đều không muốn thoát nghèo để còn được nhận hỗ trợ của Nhà nước ở nhiều chương trình. Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, việc giao chỉ tiêu luôn có 2 mặt. Nếu giao sát với thực tế thì không có gì đáng bàn. Nhưng nếu giao cao hoặc thấp hơn thực tế sẽ nảy sinh bất cập. Trong trường hợp tỷ lệ giảm nghèo được giao cao hơn khả năng thực hiện sẽ dẫn đến 2 tình huống: Hoặc là không hoàn thành, hoặc là hoàn thành nhưng sẽ có những hộ thoát nghèo “oan”. Còn nếu giao thấp hơn thì việc bình xét sẽ dễ dàng hơn cho cơ sở nhưng lại tạo ra sự bất bình đẳng giữa các hộ dân của xóm này với xóm khác, xã này với xã khác và nguồn hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo sẽ bị lạm dụng. Qua thực tế tìm hiểu ở Nam Hòa, chúng tôi nhận thấy, việc giao chỉ tiêu giảm nghèo từ huyện cho xã nhiều năm qua có thể nói là chưa sát với tình hình thực tế nên mới có chuyện ban đầu chỉ tiêu giảm nghèo của Đảng ủy xã đưa ra là 3,5%, nhưng sau đó lên tới 20% mà vẫn hoàn thành, không xảy ra đơn thư, khiếu nại gì.
Vậy nên hay không nên giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương? Câu trả lời theo chúng tôi vẫn là nên. Tuy nhiên, việc giao này phải được căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở, mà trước hết phải là từ số đăng ký của cấp xóm. Sau đó phải được xã, rồi huyện xác minh, thẩm định. Trong trường hợp không hợp lý sẽ giao lại chỉ tiêu cho phù hợp. Muốn làm được điều đó, thì vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền cũng như của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ xóm, xã, huyện, tỉnh phải được nâng cao. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ hộ nghèo cũng cần thiết có sự thay đổi. Thay vì hỗ trợ trực tiếp với nhiều chương trình manh mún như hiện nay là hỗ trợ bằng việc làm, cơ sở hạ tầng để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, cũng là tránh được tâm lý trông chờ, ỷ lại. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để cả cán bộ và người dân nâng cao nhận thức, lòng tự trọng, từ đó hình thành suy nghĩ không muốn nghèo. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn thoát được nghèo thì trước hết phải giúp người dân thoát được sự nghèo nàn trong nhận thức và ý thức, để mỗi người luôn cảm thấy sợ nghèo, không muốn nghèo.