Những năm gần đây, huyện Đại Từ thường xuyên triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác phòng cháy, huy động sức mạnh toàn dân cùng tham gia, nhằm mục tiêu không để xảy ra cháy, nổ.
Trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, kinh doanh hoạt động, đặc biệt là có 9 đơn vị sử dụng vật liệu nổ và 8 kho vật liệu nổ. Bên cạnh đó, huyện có 1 chợ trung tâm với 170 hộ kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; 25 chợ nông thôn; nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng, dầu; chế biến gỗ, chè, hàng mã... tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ. Huyện đang quản lý trên 270 cơ sở về công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 97 cơ sở thuộc diện nguy hiểm cháy nổ.
Điểm lại 3 năm gần đây: Năm 2017, trên địa bàn xảy ra 9 vụ cháy; năm 2018, xảy ra 1 vụ cháy cơ sở chế biến chè, 2 vụ cháy nhà dân; từ đầu năm 2019 đến nay, xảy ra 1 vụ cháy nhà dân. Tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra lên tới hàng tỷ đồng. Trước thực trạng này, huyện đặc biệt coi trọng việc nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân. UBND huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, thông qua các kênh như: Tuyên truyền trực tiếp; qua hệ thống truyền thanh; các cuộc họp của cơ quan, đơn vị, thôn, xóm, tổ dân phố... huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy. Nội dung tuyên truyền được tập trung vào các quy định của pháp luật; trang bị kiến thức; cách khắc phục sự cố cháy nổ xảy ra trong sử dụng điện, xăng dầu, khí hóa lỏng; tính năng sử dụng, bảo quản, sử dụng một số phương tiện phòng cháy, chữa cháy; thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng... Cùng với đó, hằng năm, huyện đều tổ chức ký cam kết phòng cháy, chữa cháy với tỷ lệ đạt 100% số hộ dân và học sinh các cấp tham gia ký. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy, hạn chế, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Ngoài ra, huyện tập trung xây dựng lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở. Từ năm 2018, 100% các xóm, tổ dân phố đã triển khai xong việc thành lập, kiện toàn đội chữa cháy dân phòng theo đúng quy định, với tổng số đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng, tổ phòng cháy, chữa cháy rừng là 483 đội/483 xóm, tổ dân phố với trên 4.800 thành viên. Hằng năm, huyện đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, trường học kiện toàn đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng, ban hành quy chế hoạt động, trang bị các phương tiện cơ bản, như: Bình chữa cháy, quần, áo bảo hộ, mũ, găng tay, khẩu trang... Hằng năm, các đội chữa cháy cơ sở, đội chữa cháy dân phòng đều được thực tập phương án chữa cháy.
Ông Nguyễn Văn Cừ, Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Không chỉ tuyên truyền, tập huấn, huyện còn thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Định kỳ hằng năm, UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật phòng cháy, chữa cháy. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đã lập hồ sơ quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo quy định, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở. Tuy nhiên, việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ vẫn chưa đầy đủ.
Với sự nguy hiểm, bất ngờ của “giặc” lửa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thì không ai có thể chủ quan. Nhất là hiện nay, mùa khô đã cận kề, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ, người dân càng cần nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, tích cực nhắc nhở bản thân và người thân thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, tránh những thiệt hại không đáng có.