Một số phụ nữ khi sinh con ra nhưng không có khả năng nuôi nấng hoặc vì lý do nào đó đã từ chối quyền nuôi con, khiến trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, phó mặc cho dòng đời.
Chuyện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn tỉnh vài năm trở lại đây xảy ra khá nhiều và không còn quá xa lạ. Gần đây nhất là sự việc 1 bé trai khoảng 20 ngày tuổi được phát hiện bị bỏ rơi tại xã Yên Ninh (Phú Lương). Theo đó, vào khoảng 21 giờ 50 phút ngày 3-10, tại Km35, Quốc lộ 3, thuộc xóm Đồng Danh, người dân đã phát hiện một bé trai nằm trong 1 chiếc nôi bằng nhựa màu xanh, có đầy đủ khăn, tã, sữa và có một phong bì ghi thông tin về ngày, giờ sinh. Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo xã đã xuống tận nơi để kiểm tra, nắm bát tình hình. Cháu bé được đưa về Trạm Y tế xã chăm sóc. Theo ông Hoàng Thế Tiến, Chủ tịch uBND xã Yên Ninh, chính quyền địa phương đã thông báo về sự việc trên, để ai là cha, mẹ đẻ của cháu bé đến nhận con. Nếu quá thời gian thông báo mà không có người thân đến nhận, xã sẽ làm thủ tục cho người đến nhận làm con nuôi theo quy định.
Trước đó, ngày 24-4, tại thôn Đá Bay, xã Bình Yên (Định Hóa), người dân cũng phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi tại khu vực tập kết rác thải của thôn. Cháu bé cũng được đưa về Trạm Y tế xã để chăm sóc, nuôi dưỡng. Tương tự, vào khoảng 21 giờ 30 ngày 3-3, người dân xóm Trại Điện, xã Kha Sơn (Phú Bình) phát hiện một bé trai chưa đầy 1 tháng tuổi bị bỏ rơi tại khu vực rừng thông, nặng khoảng 4,4kg, sức khỏe ổn định.
Không chỉ ruồng bỏ mà có người còn nhẫn tâm giết hại cả đứa con mình dứt ruột sinh ra. Chuyện H.K.L. ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ) bị tòa án đưa ra xét xử hồi đâu năm 2019 về tội giết con mới đẻ khiến không ít người bàng hoàng. L. là công nhân của một công ty trong Khu công nghiệp Yên Bình đã có chồng và 2 con. Tuy nhiên, do quan hệ vợ chồng bị rạn nứt, chồng đi theo người phụ nữ khác, thiếu trách nhiệm với gia đình nên L. sinh ra chán nản. Phần vì lo sợ công ty phát hiện mình mang thai sẽ không cho làm việc tăng ca và cho nghỉ ở nhà nên L. đã giấu không cho ai biết chuyện mình có thai. Trong một buổi làm việc ca đêm, L. đã sinh 1 bé gái trong nhà vệ sinh của công ty. Vì sợ bị mọi người phát hiện nên trong lúc hoang mang, thiếu suy nghĩ, L. đã sát hại đứa trẻ, vứt vào thùng rác. Sự việc bị nhân viên vệ sinh của công ty phát giác, báo lên cơ quan chức năng. L. phải chịu hình phạt của pháp luật, nhưng bản án lương tâm… sẽ đeo đẳng, dày vò người mẹ này đến hết đời.
Nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng trên trước hết là do các “bà mẹ” thiếu kỹ năng sống, sống buông thả, thiếu trách nhiệm hoặc trẻ sinh ra không có bố, sợ xã hội kỳ thị… Nhất là trong những năm gần đây, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, thu hút hàng vạn công nhân lao động. Khi các chị em vào làm tại các khu công nghiệp, sống xa nhà lại có nhiều mối quan hệ cũng như cám dỗ, yêu đương, quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn… Họ sẵn sàng thoái thác trách nhiệm một cách nhẫn tâm.
Hầu hết những đứa trẻ bị bỏ rơi được những cặp vợ chồng hiếm muộn đến làm thủ tục nhận con nuôi, một số được đưa về Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội nuôi dưỡng. Hiện, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng theo thống kê của Phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), từ năm 2011 đến nay, đã có 48 trẻ em bị bỏ rơi, lang thang được Trung tâm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Để hạn chế tình trạng trên, cần sự vào cuộc sâu sát hơn nữa của các tổ chức chính trị, xã hội, các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em; hướng dẫn kỹ năng sống và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng thanh niên, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên…