Đã thành thông lệ, thời điểm cuối năm là dịp được nhiều gia đình, bạn trẻ lựa chọn để tổ chức hôn lễ. Ở khu vực nông thôn, việc dựng rạp cưới hỏi rất đơn giản do người dân có nhà cửa, đất đai, vườn tược rộng rãi. Tuy nhiên, đối với các gia đình ở thành phố, đặc biệt là các hộ gia đình sinh sống bám mặt đường hoặc sâu trong ngõ hẻm thì việc tổ chức đám cưới tại nhà lại không hề đơn giản. Vì vậy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để bắc rạp cưới hỏi vẫn diễn ra phổ biến gây ra nhiều phiền toái, bức xúc, thậm chí là đã có nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra.
Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh người dân dựng rạp hiếu hỉ ở khắp các ngõ nhỏ, phố lớn, thậm chí là trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Rạp cưới chiếm hết vỉa hè của người đi bộ rồi tràn xuống cả lòng đường, hàng chục, hàng trăm người ung dung ra, vào rạp ăn uống, trò chuyện bất chấp dòng xe đang lưu thông với tốc độ lớn trên đường. Trong đám đông nhộn nhịp ấy, không mấy ai ý thức được, ranh giới giữa rạp cưới và lưỡi hái tử thần chỉ là một lớp khung rèm mỏng manh.
Hành vi dựng rạp đám tiệc chiếm hết vỉa hè hay dựng ngay dưới lòng đường là vi phạm pháp luật. Tại Khoản 4, Điều 12, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Trường hợp để xảy ra các hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc chết nhiều người hay thiệt hại về tài sản thì theo tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, người vi phạm đó có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, pháp luật cũng tạo điều kiện cho các hộ gia đình được sử dụng tạm thời một phần hè phố để tổ chức ma chay hoặc cưới hỏi, được quy định tại Điều 25a, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nhưng các hộ gia đình chỉ được sử dụng một phần hè phố để tổ chức đám tang hay đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ. Đồng thời, kèm theo điều kiện: phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét; Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Nhưng tuyệt đối không được sử dụng lòng đường để làm việc này.