Cống hiến sức trẻ cho cộng đồng

10:36, 17/11/2019

Những năm gần đây, trên cơ sở bám sát các nghị quyết của cấp trên, hội liên hiệp thanh niên xã Phú cường (Đại Từ) đã triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thanh niên. Qua đó, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, trưởng thành và đặc biệt là có thể cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết cho cộng đồng.  

Xã Phú Cường có 140 hội viên Hội Liên hiệp thanh niên, sinh hoạt ở 14 chi hội. Là xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đông, nhận thức còn hạn chế, một bộ phận thanh niên đang học tập ở các trường hoặc đi làm ăn xa, nên đã ảnh hưởng đến phong trào thanh niên ở xã. Bởi thế, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động lồng ghép với hoạt động đoàn, tổ chức giao lưu học hỏi, đổi mới nội dung và phương thức tập hợp thanh niên theo hướng đáp ứng nhu cầu, sở thích của thanh niên. Ban Chấp hành Hội chủ động tiếp cận với thanh niên, sử dụng mạng xã hội để liên hệ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của thanh niên. Qua đó, tạo sự gắn kết, thu hút thanh niên tham gia các phong trào ở địa phương.

Cùng với đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thế hệ trẻ qua nhiều hình thức như: Tổ chức diễn đàn “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, cổ vũ tuổi trẻ sống đẹp, xây dựng nếp sống cần kiệm trong thanh niên... Từ đó, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm ngọn lửa được cống hiến sức trẻ cho xã hội. Nhằm giúp thanh niên phát huy sức trẻ, trong các hoạt động xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, Hội đã nhằm vào các đợt cao điểm như: Tháng Thanh niên, các chiến dịch tình nguyện, lễ, Tết để triển khai các hoạt động xung kích, tình nguyện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường...

Chị Đinh Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHTN xã cho biết: Muốn cống hiến cho xã hội, thì trước tiên phải chăm lo tốt cuộc sống của mình, vì thế, Hội đã hỗ trợ thanh niên trong việc học tập, nâng cao trình độ, khởi nghiệp. Phú Lương là vùng đất phù hợp với phát triển cây chè, do đó Hội đã triển khai thực hiện mô hình “Nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Mỹ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị chè khô” tại xóm Na Mấn với 15 hộ có thanh niên tham gia. Qua đó, giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả sản xuất chè.

Ngoài ra, Hội đã vận động thanh niên tự giúp nhau về vốn, giống, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình anh Nguyễn Văn Điệp, xóm Chiềng; mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò thịt của anh Bùi Văn Ánh, xóm Chiềng... 

Cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, thanh niên có điều kiện cống hiến hết mình cho xã hội, cộng đồng. Hằng năm, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: Tu sửa đường giao thông, giúp đỡ gia đình chính sách, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ... Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, Hội phối hợp với các ngành, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, thanh niên, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tặng quà gia đình chính sách với số tiền trên 50 triệu đồng.

Một chương trình trọng tâm trong những năm qua ở địa phương được triển khai thực hiện là xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thanh niên xã Phú Cường là một lực lượng quan trọng. Ông Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Phú Cường được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2019. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã, không thể không kể đến những đóng góp tích cực của thanh niên. Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, thanh niên trong xã đã có nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, được bà con ghi nhận.

Để huy động tối đa lực lượng thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội đã triển khai kế hoạch, phổ biến các tiêu chí đến thanh niên bằng nhiều hình thức, qua đó nhận thức và ý thức của thanh niên được nâng lên rõ rệt, từ đó tích cực tham gia các hoạt động nhằm xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2014 đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, vận động thêm sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân để xây dựng 2 tuyến đường thắp sáng làng quê với tổng chiều dài 2.000m, kinh phí gần 50 triệu đồng. Qua đó, làm thay đổi diện mạo giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn.