Thực hiện Nghị quyết số 422 ngày 18/8/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1/10/2017, 5 xã, thị trấn gồm: Xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương); xã Linh Sơn, xã Huống Thượng, thị trấn Chùa Hang, nay là phường Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ) và xã Đồng Liên (huyện Phú Bình) được điều chỉnh địa giới hành chính về T.P Thái Nguyên. Sau 2 năm sáp nhập về Thành phố, diện mạo các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực.
Mới đây, chúng tôi có chuyến thực tế tại một số xã, phường mới sáp nhập về Thành phố, điều dễ dàng nhận thấy là diện mạo của các địa phương này có sự đổi thay rõ rệt, đặc biệt nhiều công trình phúc lợi được xây dựng mới khang trang. Ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm cho chúng tôi biết: Từ ngày sáp nhập, Thành phố đã dành nguồn ngân sách đáng kể đầu tư cho địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ theo chuẩn tiêu chí về nông thôn mới. Theo đó, từ cuối năm 2017 đến nay, ngân sách Thành phố đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để xã xây dựng 7 công trình (chủ yếu xây dựng đường, trường, trạm y tế). Cô giáo Hà Thị Mai Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Cẩm 1, xã Sơn Cẩm, chia sẻ: Các phòng học của Trường Tiểu học Sơn Cẩm 1 được xây dựng từ những năm 1960, đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm học 2019-2020, Nhà trường được đầu tư một dãy lớp học 2 tầng, 10 phòng học, giáo viên và phụ huynh học sinh của Nhà trường ai nấy đều rất phấn khởi vì được giảng dạy và học tập trong môi trường an toàn, đảm bảo.
Đến xã Huống Thượng, chúng tôi cũng được đồng chí Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã thông tin: Từ khi xã sáp nhập về Thành phố cho đến nay chúng tôi được ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình. Gần đây nhất, địa phương được đầu tư nâng cấp nhà làm việc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cấp xã nên việc đón tiếp người dân đến giải quyết thủ tục hành chính được chu đáo hơn. Đặc biệt, sau khi Thành phố đưa cổng dịch vụ công trực tuyến vào hoạt động (cuối năm 2017), công tác quản lý các văn bản, thủ tục hành chính có sự chuyển biến rõ nét. Ông Thu chia sẻ thêm: Trung bình một ngày Bộ phận một cửa của xã tiếp nhận từ 30 đến 40 thủ tục hành chính liên quan, trước kia khi không có phần mềm hỗ trợ, một ngày cán bộ Bộ phận một cửa chỉ giải quyết được vài hồ sơ liên quan nên người dân phải chờ đợi lâu. Nhưng giờ đây có phần mềm hỗ trợ, giải quyết rất nhanh, gọn người dân có chỗ để chờ trả kết quả nên người dân rất hài lòng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, 2 năm qua (2017-2018), từ nguồn ngân sách của Thành phố, 5 xã, phường mới sáp nhập được đầu tư xây dựng 30 công trình, với tổng mức đầu tư trên 140 tỷ đồng. Đến nay, các công trình đều hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư.
Ngoài được ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, thời gian qua các phòng, ban chuyên môn của Thành phố cũng đã đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai hỗ trợ các mô hình phát triển cây, con phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng. Theo đó, các xã, phường mới sáp nhập về Thành phố định hình rất rõ nét các vùng sản xuất nông sản tập trung, từng bước tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng các sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, các xã: Linh Sơn, Đồng Liên, Huống Thượng được định hướng phát triển trở thành vùng chuyên canh về sản xuất nông nghiệp, với sản phẩm thế mạnh là các loại quả, rau an toàn, lúa và hoa chất lượng cao.
Song song với định hướng phát triển thế mạnh về nông nghiệp, Thành phố cũng dành nhiều sự quan tâm tới phát triển công nghiệp và dịch vụ thương mại tại các địa phương mới sáp nhập. Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho hay: Sau 2 năm điều chỉnh địa giới hành chính, các xã, phường sáp nhập về Thành phố đều có tốc độ tăng trưởng khá (đạt từ 1315%/năm). Về sản xuất nông nghiệp, từ chỗ giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất nông nghiệp chỉ đạt 80 triệu đồng/ha/năm (năm 2017) thì đến nay đã đạt 100 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu đồng so với năm 2016), tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống người dân từng bước được cải thiện.