Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta thường căn dặn “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc để giảm bớt đau thương cho họ”. Ghi nhớ lời dạy của Bác và coi đó như “kim chỉ nam” hoạt động, những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) luôn nỗ lực, tận tâm, khắc phục mọi khó khăn để đưa công tác nhân đạo lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Ngược dòng lịch sử, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội CTĐ Việt Nam ngày nay). Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ Nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống Nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo. Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội CTĐ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng.
Trải qua 73 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào CTĐ Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương của Đảng và định hướng công tác của Hội. Một số phong trào, có sức lan tỏa sâu rộng như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; vận động hiến máu tình nguyện; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng trị giá hoạt động toàn Hội CTĐ Việt Nam đạt hơn 2.566 tỷ đồng, trợ giúp trên 10 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn.
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, các cấp hội CTĐ trong tỉnh ta đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác nhân đạo tại địa phương. Các phong trào, cuộc vận động do Hội phát động đã thu hút cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia. Hiện, toàn tỉnh có 224 hội cấp xã và tương đương, hơn 87.000 hội viên, tình nguyện viên, 96.000 thanh thiếu niên CTĐ. Từ năm 2018 đến tháng 9-2019, các cấp hội đã trợ giúp, cứu trợ kịp thời cho trên 152 nghìn lượt người nghèo, người yếu thế, trị giá trên 78 tỷ đồng. Điển hình là phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, hỗ trợ trên 60 nghìn/suất quà; gắn địa chỉ nhân đạo cho hơn 1.370 người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo; sửa và làm mới hơn 200 căn nhà; trao gần 70 con bò giống sinh sản và hỗ trợ vốn sản xuất, trao sổ tiết kiệm cho trên 300 đối tượng. Hội đã vận động và tiếp nhận được 50.356 đơn vị máu. Ngoài ra, các cấp hội hỗ trợ người nghèo, người yếu thế bằng nhiều hình thức như: khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng sổ tiết kiệm, tặng xe lăn, hỗ trợ đột xuất cho các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn rủi ro…
Thấm nhuần những giá trị nhân đạo, ở mỗi huyện, thành, thị lại có những hoạt động cứu trợ nhân đạo thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, phong trào làm việc thiện ngày càng lan tỏa rộng rãi, giúp thêm nhiều người có động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Với 113 mô hình, đội, nhóm, câu lạc bộ CTĐ, huyện Đại Từ là một trong những đơn vị có nhiều hình thức giúp đỡ đa dạng, phong phú, thu hút nhiều người tham gia như giao lưu bóng đá gây quỹ từ thiện; cắt tóc miễn phí cho học sinh, người nghèo; giáo dục kỹ năng sống; tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo; xây dựng thùng quỹ nhân đạo, bếp ăn tình thương, tủ quần áo miễn phí cho người nghèo; hoạt động liên gia đình giúp một gia đình… Hay như Dự án “Ngân hàng bò” ở Võ Nhai, từ khi triển khai đến nay đã trao hơn 50 con bò giúp đỡ cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu…
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động CTĐ trong tình hình mới”, các cấp hội tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ như: Tổ chức tốt phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và Tháng Nhân đạo 2020; các chương trình, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, tạng, chăm sóc sức khỏe; tham gia phòng ngừa ứng phó thảm họa và các hoạt động trợ giúp nhân đạo khác...
Kỷ niệm Ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam năm nay là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ tự hào ôn lại bề dày truyền thống 73 năm của Hội, đồng thời là dịp để mỗi người làm công tác nhân đạo tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.