Khó giữ chân du khách

08:19, 06/11/2019

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 160 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.700 phòng, trong đó có gần 800 phòng nghỉ cao cấp và các nhà hàng ẩm thực phục vụ nhân dân, du khách. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch tỉnh cho biết: Riêng Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên có hơn 60 đơn vị thành viên tham gia hoạt động ở lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ. Tất cả đều gặp khó khăn vì lượng khách lưu trú thấp, công suất buồng phòng chỉ đạt khoảng 50%. Các điểm đến truyền thống, được nhiều du khách lựa chọn cũng vắng du khách lưu trú, như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, ngày cao điểm đón hơn 20.000 lượt du khách, nhưng chỉ có số ít du khách thuê buồng phòng ở qua đêm. Vì các du khách cho rằng đi du lịch phải tận dụng tối đa thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí chứ không phải đi để ăn rồi nằm lăn ra ngủ. 

Tiếp đến là Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá, ngày cao điểm có hơn 40.000 lượt nhân dân, du khách đến tham quan, về nguồn. Những tưởng phong cảnh hữu tình sẽ níu giữ được chân du khách, nên ít năm trước, tỉnh cho xây dựng tại đỉnh đèo De, xã Phú Đình một hệ thống nhà nghỉ theo kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc, nhưng… nhà xây rồi bỏ đó, vì nếu ở lại du khách cũng chỉ thấy mấy ngọn núi xầm xập đè xuống làm trời mau tối. Sẽ thật có lỗi nếu không nhắc tới thôn Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hoá), một mô hình du lịch cộng đồng được tỉnh quan tâm đầu tư hàng tỷ đồng. Song lòng hiếu khách và các món ẩm thực cùng lời hát Then, tiếng đàn Tính của đồng bào thôn Bản Quyên không giữ được chân khách. Bà Ma Thị Lan, một chủ hộ tham gia làm du lịch ở thôn, đồng thời là Đội trưởng Đội hát then, đàn tính thở dài: Mỗi năm có khoảng hơn trăm du khách đến đặt cơm ăn, nghe hát xong là lên xe về luôn, không ai ở lại với bà con. 

Một điểm du lịch mới nổi ở Thái Nguyên là Trung tâm Thương mại và du lịch Dũng Tân (T.P Sông Công). Trung tâm mở cửa phục vụ nhân dân, du khách từ hơn 3 năm gần đây, lượng khách bình quân hơn 200.000 lượt/năm. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm tự hào: Ngày cao điểm chúng tôi đón gần 16.000 lượt nhân dân, du khách, nhưng chủ yếu là khách đến vui chơi, giải trí trong ngày, rất ít du khách lưu lại đến hôm sau. Còn ở vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), ông Lê Quang Nghìn, hộ sản xuất, chế biến chè tham gia làm du lịch ở xóm Hồng Thái 2 cho biết: Mỗi năm gia đình tôi đón tiếp khoảng trên 3.000 lượt du khách trong, ngoài nước đến tham quan, nhưng chỉ xem làm chè, số người mua chè không đáng kể. Số khách lưu lại qua đêm không có. 

Ngồi trản trà, nhàn đàm với ông Nghìn tôi còn được biết thêm về lòng hiếu khách của người Thái Nguyên. Với nét đẹp văn hoá truyền thống có từ hàng trăm năm nay là pha trà, mời trà giữ chân khách. Cùng đó là lối sống chân thành, mộc mạc, hào phóng, mến người, nhưng làm du lịch thì chưa có nghề. Công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của các cơ quan, đơn vị chuyên môn còn hạn chế, thiếu hệ thống. Việc kết nối tuor, tuyến, hợp tác giữa cơ quan chức năng và giữa các doanh nghiệp làm du lịch trong vùng chưa được đẩy mạnh. Một doanh nhân làm du lịch của tỉnh chia sẻ: Để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, Thái Nguyên nên có khu phố đi bộ, chợ đêm, khu ẩm thực và một số các hoạt động giải trí lành mạnh.

Khi đến Thái Nguyên, một số chuyên gia về du lịch cho rằng: Thái Nguyên có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các phong tục tập quán đẹp và những lễ hội. Đó là nguồn tài nguyên vô giá, ngành du lịch thỏa sức khai thác, càng khai thác, nguồn tài nguyên ấy càng thêm phong phú. Nhưng hiện tại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch của Thái Nguyên chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch thấp; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm du lịch còn hạn chế, dẫn đến việc để lãng phí nguồn tài nguyên phục vụ cho ngành du lịch. Vì thế, hầu hết du khách đến Thái Nguyên tham quan, vãn cảnh theo cách đi cho nhanh rồi về. 

“Không nhắm mắt” bỏ lỡ cơ hội, những năm gần đây, Thái Nguyên đã có nhiều quan tâm tới ngành du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Việc này được thể hiện thông qua hàng loạt các dự án, đề án, hội thảo bàn về phát triển du lịch. Sự quan tâm đúng mức của tỉnh đã mời chào được nhiều nhà đầu tư lớn đã đến Thái Nguyên khảo sát, đăng ký hợp tác về phát triển du lịch, như: Tập đoàn T&T; Crown Plaza, Công ty cổ phần Vườn Thời Đại Việt Nam; Công ty cổ phần tập đoàn FLC; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và công nghiệp Việt Nam… Mong ở tương lai không xa, Thái Nguyên sẽ thật sự trở thành một điểm đáng đến của ngành du lịch trên cả nước.