Từ đầu thế kỷ 20, tấm lợp fibro xi măng đã được nghiên cứu với công nghệ bắt nguồn từ sản xuất giấy. Điểm khác biệt là sợi giấy được thay thế bằng sợi khoáng tự nhiên amiang có nhiều tính năng ưu việt, còn cao lanh được chuyển thành xi măng.
Trong lần sản xuất thử nghiệm đầu tiên, kỹ sư người Tiệp Khắc có tên Liudvik Gatchek đã cho ra lò những tấm xi măng mỏng kích thước 400 x 400, bề dày 4mm rồi gọi tên là tấm fibro xi măng. Tới cuối những năm 1920 của thế kỷ trước, các tấm này bắt đầu được sản xuất đại trà với thành phần khoảng 10% sợi amiang, độ bền uốn hơn 160 kgc/cm2. Điều này có được vì cứ mỗi 7 - 9 lớp của sản phẩm lại có các sợi amiang bám dính cao xuyên qua.
Tại Liên bang Nga, những tấm fibro xi măng đầu tiên đã được sản xuất hơn 80 năm trước tại làng Branshin. Năm 1908, theo lệnh của Nga Hoàng Nhikolai đệ Nhị, nhà máy sản xuất tấm fibro xi măng đầu tiên đã được xây dựng. Kể từ đó, tấm fibro xi măng trở thành một vật liệu chuyên dụng làm mái nhà và ván lợp tại Nga. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều nước đang cho phép sử dụng các sản phẩm fibro xi măng như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ… toàn bộ các nước vùng Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Phillipine…
Tấm lợp fibro xi măng được sử dụng tại nhà ga Montreux của Thụy Sỹ.
Ngành vật liệu fibro xi măng tại Việt Nam
Khoảng những năm 1963, tấm lợp fibro xi măng (hay còn được gọi là tấm amiang xi măng) đã được sản xuất tại nước ta. Nhờ những ưu điểm như độ bền cao, chịu được khí hậu nóng ẩm đặc trưng và độ chênh nhiệt độ lớn, nhất là ở các vùng ven biển với miền núi, tấm lợp fibro xi măng được người dân hết sức ưa chuộng. Ngày nay khi đi qua các tỉnh dọc vùng duyên hải miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, chúng ta vẫn sẽ thấy nhiều hộ gia đình sử dụng loại vật liệu này để lợp mái, mở rộng trang trại, kho bãi.
Ngụ tại Ấp 1A, xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, anh Nguyễn Minh Hùng chia sẻ: “Gia đình tôi sử dụng tấm lợp fibro xi măng đến nay hơn 30 năm rồi, vì tấm này nắng không nóng, mưa không ồn lại vừa với túi tiền người nông dân, giúp hạn chế bớt chi phí cho bà con. Nhiều nhà ở quanh đây cũng sử dụng tấm fibro xi măng.”
Từ kinh nghiệm của gia đình mình, ông Nguyễn Hồng Thái, trú tại Thôn Bầu, thị trấn Hoà Hợp, Tam Dương, Vĩnh Phúc cho biết “Nhà chính của gia đình tôi xây năm 1997-1998 sử dụng tấm lợp đã hơn 20 năm đến bây giờ vẫn tốt, có năm mưa đá cũng không làm sao".
Tấm fibro xi măng được sử dụng nhiều tại vùng sâu, vùng xa và đồi núi.
Cùng với các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, tấm lợp fibro xi măng xuất hiện rộng rãi trong những chiến dịch hỗ trợ bà con khắp cả nước khắc phục hậu quả sau thiên tai, bão lũ. Nhiều năm qua, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh và một số đơn vị sản xuất tổ chức chương trình ủng hộ tấm lợp cho bà con bị ảnh hưởng hậu quả nặng nề của thiên tai bão lũ.
Khó khăn do bị tẩy chay
Những năm trở lại đây, thị trường tấm lợp fibro xi măng ngày càng suy giảm mạnh. Trước kia, cả nước từng có 40 nhà máy với 53 dây chuyền tổng công suất thiết kế là 105 triệu m2/năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn của người tiêu dùng. Nhưng tới cuối năm 2018, toàn ngành chỉ còn 25 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng với 36 dây chuyền và tổng công suất thiết kế là 80,4 triệu m2/năm.
Nhiều năm qua, dù các nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế và Bộ Xây dựng đã khẳng định không tìm thấy trường hợp nào ở Việt Nam bị bệnh ung thư do phơi nhiễm với amiang trắng trong tấm lợp fibro xi măng nhưng những tin đồn đã khiến tâm lý người tiêu dùng sợ hãi. Theo PGS.TS Lương Đức Long - Nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, lượng amiang trắng phối trộn trong tấm lợp chiếm tỷ lệ rất ít. Các sợi amiăng trắng có cấu trúc rỗng như sợi tóc nên khi trộn với xi măng sẽ bị lấp đầy bởi các hạt mịn và tạo sự liên kết bền vững, chặt chẽ, khó để phá hủy và phát tán ra môi trường.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành bởi các nhà khoa học trên thế giới nhằm xác định mức độ rủi ro của sợi amiăng trong nước uống đến sức khoẻ con người, nhưng đều cho thấy không có bằng chứng nào về việc amiăng trong nước uống gây ung thư.
Đảm bảo thông tin khách quan trước khi có kết luận cuối cùng
Ngày 02/08/2019, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có Công văn số 1441 báo cáo Chủ tịch Quốc hội, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu để chứng minh có hay không sự nguy hại của amiang trắng trong việc gây ung thư cho người lao động và người sử dụng; làm rõ lý do tại sao phần lớn các nước vẫn sử dụng amiang trắng, trong đó có các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ…, những nước có công nghệ cao trên thế giới như Mỹ, Nga…; các nước trong khu vực ASEAN…
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã đề nghị các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo cơ quan truyền thông tuyên truyền sự việc một cách khách quan để người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh tuyên truyền thái quá gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến kinh tế và tình hình xã hội trong lúc đất nước đang cần ổn định để phát triển.