Nói đến fibro xi măng, chúng ta thường liên tưởng đến loại tấm lợp sóng có màu ghi xám chuyên sử dụng cho người nghèo hoặc dùng lợp công trình phụ hay chuồng trại. Tuy nhiên, trên thực tế, fibro xi măng bao gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau như tấm phẳng làm trần hoặc gác sàn, tấm sóng, ống dẫn nước, sản phẩm trang trí, ốp tường...
Các sản phẩm xi măng cốt sợi amiang được phát minh vào cuối thế kỷ 19 bởi nhà công nghiệp người Áo Ludwig Hatschek khi ông trộn 90% xi măng và 10% sợi amiang trắng với nước sau đó đưa hỗn hợp này qua một máy cán để tạo thành các tấm mỏng bền chắc. Vật liệu fibro xi măng thường được lựa chọn sử dụng do có nhiều ưu điểm như chi phí thấp, cách điện, cách nhiệt, chống cháy, không thấm nước và có trọng lượng nhẹ. Đây được coi là một trong những phát minh về vật liệu xây dựng hữu dụng và phổ biến nhất của thế kỷ 20.
Tại Việt Nam, ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng (hay còn gọi là tấm amiang xi măng) đã bắt đầu phát triển từ những năm 1963. Nhờ thích nghi tốt với khí hậu, thói quen sinh hoạt và làm nông của người dân, vật liệu này được sử dụng phổ biến trong xây dựng nhà cửa, làm chuồng trại hoặc kho bãi.
Tấm fibro xi măng là vật liệu lợp giá rẻ, có độ bền cao
Sản phẩm tấm lợp sóng fibro xi măng đã trở nên quen thuộc với người dân qua tên gọi dân dã “tấm bờ-lô”, “tấm bờ-lô xi-măng” hay “tấm bờ-rô”. Cùng với thời gian, thị trường dần xuất hiện nhiều loại tấm lợp khác nhau như mái bê tông, mái ngói, tấm tôn... nhưng vật liệu fibro xi măng vẫn là lựa chọn phù hợp với nhiều bà con tại vùng núi phía Bắc, dọc duyên hải miền Trung và khu vực phía Nam khi xét về giá thành.
Những mái nhà đổ bê tông kiên cố có độ bền tương đối cao, khó có thể bị nứt vỡ hay sụp lún nhưng chi phí lớn khiến cho không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả. Các loại ngói có hình thức đẹp, bắt mắt cũng có chi phí quá cao so với thu nhập của người dân ở nông thôn. Các tấm tôn có trọng lượng nhẹ, chủng loại đa dạng, thi công lắp đặt nhanh nhưng thường bị thủng hoặc hoen gỉ sau 2-3 năm dùng cho bếp ăn hoặc lợp chuồng trại. Đối với tấm lợp fibro xi măng, thường chỉ dao động trong khoảng 40 - 45 nghìn đồng/m2, đây là loại vật liệu giá rẻ, có thể giúp bà con tiết kiệm nhiều chi phí.
Nhờ sự liên kết chặt chẽ của 90% xi măng với khoảng 10% sợi amiang trắng, tấm lợp fibro xi măng đã trở thành một vật liệu có độ bền chắc rất cao. Trong ứng dụng thực tế, sợi amiang trắng đã chứng minh khả năng giãn nở tốt, có thể chống chịu được hơi muối mặn vùng biển, môi trường có tính acid cao trong chuồng trại chăn nuôi, khí hậu sương muối ở các vùng núi cao hay Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi có nền nhiệt thay đổi đột ngột nhiều lần trong ngày.
Đến nay, chưa có một loại vật liệu lợp nào có thể thay thế được những đặc tính ưu việt này của tấm lợp fibro xi măng. Một số bà con từng sử dụng tấm tôn để lợp nhà và chuồng trại đã phải thay đổi do tấm dễ bị ăn mòn và hoen gỉ sau 3 - 5 năm sử dụng. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra mưa bão, vật liệu này cũng không đủ sức chống chịu và bảo vệ nhà cửa vì chúng có trọng lượng nhẹ, dễ bị gió cuốn và giật bay hàng chục mét.
Tấm tôn lợp mái bị hoen gỉ dưới tác động của thời tiết, khói bếp hoặc phân gia súc gia cầm.
Dễ vận chuyển và lắp đặt
Bên cạnh những tính năng vượt trội, tấm lợp fibro xi măng còn có thể dễ dàng vận chuyển bằng xe máy, xe thồ đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa mà xe to không thể đi vào được. Cũng nhờ vậy, Nhà nước và các tổ chức trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hay tài trợ mùa thiên tai bão lũ thường huy động vật liệu này để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Năm 2016, hơn 4,500 tấm lợp fibro xi măng đã được Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam và một số nhà máy thành viên tài trợ cho các hộ dân chịu thiệt hại nặng nề của đợt lốc xoáy và mưa đá ở huyện Tương Dương , Kỳ Sơn (Nghệ An).
Gây ung thư chỉ là tin đồn
Do đặc tính vùng miền và điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều bà con vùng sâu vùng xa đến nay vẫn không có nước máy để dùng. Việc khoan giếng ở các vùng địa lý nhiều núi đá không khả thi hoặc có chi phí đắt đỏ. Đối với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn khiến bà con gần như không có cách nào khác ngoài việc hứng nước mưa từ mái nhà xuống các bể chứa để dự trữ sử dụng trong mùa khô. Đây cũng là tình trạng thường xuyên diễn ra ở Ấn Độ, nơi hàng năm đều có các cuộc khủng hoảng về nước sạch và bà con vẫn phải hứng nước dự trữ trong các bể chứa làm từ fibro xi măng. Hay như nước Đức hoặc CHLB Nga hiện nay vẫn còn hàng nghìn km đường ống dẫn nước làm từ nguyên liệu này.
Theo PGS.TS Lương Đức Long - Nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, lượng amiang trắng trong tấm lợp chiếm tỷ lệ phối trộn rất ít. Các sợi amiăng trắng có cấu trúc rỗng nên chất kết dính như xi măng sẽ lấp đầy các sợi này, tạo ra sự liên kết rất bền vững, chặt chẽ, khó phá hủy và rất khó để phát tán ra môi trường.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm xác định mức độ rủi ro của sợi amiăng trong nước uống đến sức khoẻ con người đã được triển khai trên thế giới nhưng các kết quả đều cho thấy không có bằng chứng về việc amiăng trong nước uống gây ung thư. Vào năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung vào báo cáo năm 1996 về amiăng trong nước uống và đưa ra kết luận rằng “Những nghiên cứu dịch tễ học hiện tại không đưa ra bằng chứng về việc gia tăng rủi ro đến sức khoẻ con người liên quan đến amiăng trong nước uống. Hơn nữa, trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật cho thấy amiăng không làm tăng nguy cơ về ung thư đường tiêu hoá. Do đó, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy uống nước có sợi amiăng là nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Vì vậy, không cần thiết phải lập ra một hướng dẫn an toàn về amiăng trong nước uống”.