Tấm lợp fibro xi măng được sản xuất ở Việt Nam từ những năm 1963 với các thành phần phối trộn chính gồm 7 - 10% lượng sợi amiang trắng, 90% xi măng và các hỗn hợp phụ gia khác.
Với đặc tính ưu việt như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chịu được môi trường kiềm, cách điện, cách nhiệt, khó phân hủy…, sợi amiang trắng giúp tạo ra những sản phẩm lợp fibro xi măng có tuổi thọ cao hơn 50 năm. Thực tế trong đời sống, vật liệu này đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng như cách nhiệt tốt, không bị cong vênh trong điều kiện khí hậu thay đổi đột ngột, không bị hoen gỉ bởi hơi nước biển, sương muối, khói bếp hoặc axit có trong phân của gia súc, gia cầm.
Chưa phát hiện trường hợp nào bị bệnh do làm việc hay sống dưới mái nhà lợp tấm fibro xi măng
Đối tượng đầu tiên có nguy cơ bị bệnh bụi phổi do tiếp xúc trực tiếp với sợi amiang trắng chính là công nhân lao động trực tiếp trong các nhà máy sản xuất tấm lợp fibro xi măng. Thời sơ khai của ngành công nghiệp này, vào khoảng những năm 1960 đến năm 2000, hầu hết công nhân đều xé bao amiang trắng, cân và phối trộn loại sợi này một cách thủ công. Ngày nay, khi nền công nghiệp đã phát triển, hầu hết các nhà máy đã nâng cao công nghệ, trang bị hệ thống khép kín, xé bao tự động và đưa ra các tiêu chuẩn an toàn lao động, khám bệnh nghề nghiệp thường kỳ cho công nhân. Đến nay, các nghiên cứu khoa học trong nước được tiến hành đều không tìm thấy trường hợp nào bị bệnh ung thư hay bệnh phổi nguy hiểm có liên quan tới phơi nhiễm amiang trắng trong tấm lợp fibro xi măng.
Năm 2009 - 2011, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để tài trợ cho Cục quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế tiến hành nghiên cứu cấp Bộ: “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiang ở những người tiếp xúc”. Trong số 447 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến amiang như ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô, chỉ có 39 mẫu bệnh phẩm sau sàng lọc được gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản để chẩn đoán. Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản cũng chỉ xác định được 08 trường hợp thực bệnh nhưng trong đó, không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiang.
Trong 11 năm (2008 - 2018) triển khai chương trình Khám bệnh nghề nghiệp và Đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, Hội đồng đọc phim uy tín của Bệnh viện Xây dựng - Bộ Xây dựng cũng kết luận: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trắng.
Trên thế giới, các nghiên cứu đều cho thấy những bệnh liên quan đến đường hô hấp, sức khỏe và tuổi thọ của người dân có tiếp xúc với amiang trắng trong sản xuất và sử dụng sản phẩm này không khác biệt so với những người không tiếp xúc. Năm 2014, Tiến sĩ Jques Dunnigan (Canada) thông qua đề tài: “Những nghiên cứu dịch tễ học và độc học về các loại sợi amiang trắng và rủi ro khi tiếp xúc” đã khẳng định amiang trắng an toàn hơn so với amiang nâu và xanh, và khi amiang trắng được sử dụng có kiểm soát, sẽ giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và người sử dụng.
Đối với bà con sống dưới mái nhà lợp tấm fibro xi măng, các nghiên cứu cũng khẳng định khó có thể bị phơi nhiễm hay mắc bệnh ung thư. Nghiên cứu về nồng độ sợi amiang trong không khí ở các khu vực có nhiều mái lợp bằng tấm amiang xi măng ở Úc, Đức, Áo đều cho rằng nồng độ amiang không có sự khác biệt với nồng độ amiang vốn có trong tự nhiên là 0,001 sợi/cc - mức được WHO, Ủy ban amiang Hoàng gia Ontario và Hội Hoàng gia London đánh giá lần lượt là “có thể chấp nhận được”, “không đáng kể” và “… không có cơ sở để kiểm soát thêm”.
Tấm lợp fibro xi măng vẫn đang được sử dụng phổ biến ở Thái Lan.
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hằng - Nguyên GĐ Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, đã có nghiên cứu điều tra thực trạng sức khỏe và tỷ lệ tử vong của người dân xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà giang - nơi có 69,4% số hộ dân sử dụng tấm lợp AC làm mái lợp. Khảo sát môi trường tại 30 vị trí khu vực nhà dân xã Tân Trịnh cho kết quả không phát hiện ra sợi amiăng trong các mẫu đo. Tỷ suất tử vong thô tại Quang Bình (Hà Giang) ở mức trung bình so với các vùng khác tại Việt Nam và trên thế giới. Không có trường hợp nào được ghi nhận là bị ung thư do sống dưới mái nhà lợp tấm fibro xi măng.
Sản phẩm fibro xi măng vẫn được sử dụng ở hơn 100 quốc gia
Ngành sản xuất các sản phẩm fibro xi măng đã phát triển cực thịnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Mỹ, các sản phẩm fibro xi măng được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đánh giá là an toàn và EPA không cấm các sản phẩm ống nước hay tấm lợp fibro xi măng. Hơn 60% người dân Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… sử dụng các bể chứa nước fibro xi măng và tấm lợp fibro xi măng để lợp nhà. Nước Đức hiện vẫn còn hơn 50.000km đường ống cấp nước sinh hoạt. Riêng tại các nước Châu Á có điều kiện kinh tế và khí hậu tương đương Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, sản phẩm tấm lợp fibro xi măng gần như là lựa chọn duy nhất của người dân các vùng nông thôn, miền biển.
Ngôi nhà được xây dựng từ những vật liệu fibro xi măng tại Liên bang Nga.
Uống nước từ tấm lợp fibro xi măng có phải là nguyên nhân gây ung thư?
Do đặc tính vùng miền và điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều bà con vùng sâu vùng xa đến nay vẫn không có nước máy để dùng. Việc khoan giếng ở các vùng địa lý nhiều núi đá thường không khả thi hoặc có chi phí khá đắt đỏ. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng nước nhiễm mặn, nhiễm phèn khiến bà con gần như không có cách nào khác ngoài việc hứng nước mưa từ mái nhà xuống các bể chứa để dự trữ qua các mùa khô. Đây cũng là tình trạng thường xuyên diễn ra ở Ấn Độ, nơi hàng năm đều có các cuộc khủng hoảng về nước sạch và bà con vẫn phải hứng nước dự trữ trong các bể làm từ fibro xi măng.
Theo PGS.TS Lương Đức Long - Nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, lượng amiang trắng trong tấm lợp chiếm tỷ lệ phối trộn rất ít. Các sợi amiăng trắng có cấu trúc rỗng nên chất kết dính như xi-măng sẽ lấp đầy các sợi này, tạo ra sự liên kết bền vững, chặt chẽ, khó phá hủy và rất khó để phát tán ra môi trường.
Nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định mức độ rủi ro của sợi amiăng trong nước uống đến sức khoẻ con người cho thấy không có bằng chứng về việc amiăng trong nước uống gây ung thư.
Vào năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung vào báo cáo năm 1996 về amiăng trong nước uống và đưa ra kết luận rằng “Những nghiên cứu dịch tễ học hiện tại không đưa ra bằng chứng về việc gia tăng rủi ro đến sức khoẻ con người liên quan đến amiăng trong nước uống. Hơn nữa, trong các nghiên cứu được thực hiện trên động vật cho thấy amiăng không làm tăng nguy cơ về ung thư đường tiêu hoá. Do đó, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy uống nước có sợi amiăng là nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Vì vậy, không cần thiết phải lập ra một hướng dẫn an toàn về amiăng trong nước uống”.