Đồng hành với người khiếm thị, Hội Người mù tỉnh không chỉ là nơi tập hợp những người cùng hoàn cảnh để yêu thương và chia sẻ mà còn là nơi đào tạo việc làm, giúp đỡ cho hội viên khó khăn. Nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần của người khiếm thị trong tỉnh được nâng lên đáng kể.
Tìm thấy "ánh sáng"
Đối với nhiều hội viên Hội Người mù tỉnh, việc đến với Hội như tìm thấy ánh sáng vì ở đó họ được học chữ, học nghề, được hát ca… và niềm tin, khát vọng cuộc sống được nhân lên. Đinh Thị Phương Thảo (Sinh năm 1994, phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên) là một trường hợp như thế. Khi chưa học xong THPT, Thảo không may bị tai nạn giao thông, hỏng cả hai mắt. Và kể từ đó, tất cả thanh xuân cũng như tương lai bản thân phải sống trong bóng tối. Bao mặc cảm ập đến, Thảo cảm nhận: “Lúc đó, tôi sống mà như chết vì đau khổ, tuyệt vọng”. Đến năm 2011, Thảo xin tham gia Hội Người mù tỉnh. Tại đây, Thảo đã được học vi tính qua công cụ bàn phím chữ nổi Braille và học thêm nghề xoa bóp, trị liệu. Sau gần nửa năm làm quen với môi trường lao động mới, Thảo đã nhanh chóng tập hợp những người cùng cảnh và cả những lao động nông thôn không khuyết tật cùng tham gia làm dịch vụ xoa bóp của người khuyết tật, dịch vụ đánh máy chữ… thu hút hàng chục người tham gia, đồng thời có thu nhập ổn định và sống không lệ thuộc người xung quanh. Chính từ những nỗ lực bản thân cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức Hội đã giúp cho Thảo và một số thành viên của Chi hội củng cố thêm niềm tin vào cuộc sống tương lai. Nhờ những nghị lực của bản thân vượt khó ấy, chỉ sau khóa học nghề tại Hội, Phương Thảo đã chiếm được tình cảm của bạn trai, rồi sau đó chính thức bước lên xe hoa, cùng chồng lập nghiệp tại phường Chùa Hang.
Còn với ông Trịnh Quốc Thái, trú tại thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) đến với Hội Người mù của tỉnh từ năm 2002, nhưng lại là người có gần ba chục năm không ra khỏi nhà và gần như ít giao tiếp bên ngoài. Ông kể: “Từ những năm học phổ thông tôi đã bị bệnh về mắt và càng ngày càng giảm thị lực dẫn đến hỏng hẳn. Kể từ năm 16 tuổi đến nay gần 60 tuổi, tôi đã sống trong bóng đen, tất cả chỉ là sự tưởng tượng và hoạt động theo cảm giác. Ra khỏi nhà là sợ vì không biết bám vào đâu và không có phản xạ theo thói quen. Tôi tìm đến Hội trong những hy vọng có thể làm cho cuộc đời có nghĩa hơn… Và tôi đã được giới thiệu đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Viện Y học cổ truyền Trung ương. Sau khóa học, trở về tôi truyền nghề lại cho hội viên”. Hiện nay, ông Thái làm chủ hai cơ sở xoa bóp, bấm huyệt đặt tại thị trấn Trại Cau và phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên). Mỗi cơ sở thu hút 3-4 hội viên tham gia làm việc, với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình di chuyển, ông Thái hồn nhiên cười và bảo: “Trước thì khó thật, nhưng giờ khác rồi. Có điện thoại thông minh, gần như thiết bị nào cũng định vị, dẫn đường tốt, lại hỗ trợ giọng nói bàn phím, Zalo, facebook… rất tiện ích. Đến với Hội, chúng tôi được biết thêm rất nhiều điều mà lâu nay chỉ là những ước muốn. Giờ đây, hàng ngày tôi vẫn tự bắt xe buýt đi lại và chia sẻ, hướng dẫn với hội viên các kỹ thuật, kỹ năng giao tiếp… qua điện thoại thông minh”.
Thắp lên niềm tin vào cuộc sống
Bà Nguyễn Thị Minh (Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh) cho biết: Nói đến người mù là người mất đi ánh sáng, hoặc mất đi một phần ánh sáng, mất giác quan rất quý của con người nhưng với tinh thần trí tuệ, thể lực họ vẫn tham gia nhiều hoạt động khác trong xã hội, phấn đấu vươn lên để hòa nhập cộng đồng. Khi có tổ chức Hội, họ đã được tư vấn về kỹ năng, phát huy sở trường, năng khiếu… quan trọng là họ đã tìm được chỗ dựa về tinh thần. Bà Minh tâm sự: “Bản thân tôi bị tai nạn lao động từ năm 1990, hỏng cả hai mắt. Nhưng không vì thế mà suốt ba chục năm qua tôi chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường nhà mình. Tôi đã tự mình làm tất cả công việc cá nhân”.
Hội Người mù hiện có trên 1.700 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại 6 hội cơ sở (Hội Người mù T.P Thái Nguên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương và Phổ Yên), trong đó có 43 hội cấp xã và 20 chi hội cơ sở. Trong giai đoạn 2014-2019, Tỉnh hội đã xây dựng và triển khai được 20 dự án giải quyết việc làm như: Chăn nuôi lợn, trâu, bò sinh sản, bằng nguồn vốn của Trung ương Hội và địa phương cho 111 người mù được vay với lãi suất ưu đãi với số tiền là 3,37 tỷ đồng, bước đầu phát huy tốt hiệu quả. Hội đã tổ chức cho người mù học chữ Braille, tổ chức học tin học cho hội viên. Sau khi được học chữ, Hội đã xây dựng dự án học nghề và đã được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức hàng năm, đã tổ chức được 9 lớp xoa bóp bấm huyệt cho 59 người mù tổng kinh phí là 622 triệu đồng. Trong số hơn 1.700 hội viên, đa số có hoàn cảnh cuộc sống khó khăn. Bằng nhiều chương trình hỗ trợ dạy nghề, việc làm, hỗ trợ vốn tín chấp…, tỷ lệ hội viên nghèo, đặc biệt khó khăn đã giảm từ 25% (năm 2014), đến nay xuống còn dưới 20%. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, hội viên các huyện đã hiến tặng cho địa phương trên 2.500m2 đất, ủng hộ trên 100 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Bằng các chương trình hỗ trợ và tinh thần tự lực vươn lên, Hội Người mù tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là chỗ dựa tinh thần và là nơi thắp sáng niềm tin cho hội viên.