Sinh sống giữa vùng lõi của rừng đặc dụng Thần Sa, 2 hộ đồng bào dân tộc Mông ở Lũng Đinh, xóm Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa (Võ Nhai) nằm biệt lập với người dân trong xóm. Ở đây, không điện, không đường, không ruộng cấy lúa, không có nguồn nước tưới nên cuộc sống của những hộ dân này vô cùng khó khăn, trẻ em không được đến trường...
Chúng tôi được anh Dương Văn Trọng, nhà ở xóm Ngọc sơn 2, xã Thần sa, dẫn đường vào khu Lũng Đinh, nơi còn 2 hộ dân sinh sống biệt lập ở giữa những dãy núi đá. Trước khi đi, anh Trọng nhắc, đường vào Lũng Đinh khó khăn lắm, nhiều đèo dốc, đá núi gập ghềnh, không cẩn thận thụt chân xuống khe đá là gãy chân, rách thịt... Mùa khô còn đi được chứ mùa mưa thì không dám đi vì không chỉ sợ trơn trượt, sạt lở đất đá mà con vắt bám vào chân nhiều đến nỗi không kịp gỡ... Từ đường trục chính của xóm Ngọc sơn 2, chúng tôi rẽ vào đường bờ ruộng dài gần 1km rồi dựng xe máy bên bìa rừng để bắt đầu hành trình “khám phá” Lũng Đinh. Thời tiết mùa Đông ở đây lạnh như cắt da thịt, gió núi thổi rít bên tai, nhưng chỉ đi được khoảng 10 phút, tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi đã vã mồ hôi và phải cởi áo khoác. Vừa đi, anh Trọng vừa chia sẻ: Mặc dù là ở cùng xóm nhưng đã gần chục năm qua, tôi chưa vào Lũng Đinh lần nào vì đường đi lại quá khó khăn... Mất hơn nửa buổi sáng, chúng tôi lên được đỉnh dãy núi cao, anh Trọng chỉ về phía làn khói xa xa và bảo: Lũng Đinh ở đấy, sắp đến rồi... Thế nhưng, cũng phải lần rừng gần 1 giờ đồng hồ nữa chúng tôi mới đến nơi.
Cũng chính việc đi lại khó khăn, nguy hiểm như vậy nên Lũng Đinh khá biệt lập với bên ngoài, chỉ có cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng mới vào đến đây. Ở Lũng Đinh có 3 căn nhà sàn được dựng trên bãi đất rộng khoảng 5.000m2, với 4 bề là núi đá dựng đứng. Thấy chúng tôi, chị Dương Thị Cô đang bế con gái gần 3 tuổi, tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi gần 2 năm nay, chưa có người lạ vào lũng. Chị Cô cho biết: Em ở nhà bế con, còn chồng vào rừng kiếm củi, mùa này ở Lũng Đinh lạnh buốt nên phải đốt bếp lửa suốt ngày. Đầu năm nay, vợ con ông Lý Văn Sài đã chuyển sang Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) ở. Giờ chỉ còn gia đình em và gia đình ông Dương Văn Hờ...
Ở Lũng Đinh, những hộ dân này sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp, không có đất ruộng nên mọi người phải đi tìm những mỏm đất giữa lưng núi (khu vực có mặt trời chiếu) để trồng ngô. Do nhiều đá nên những người dân ở đây phải lựa từng nhát cuốc để tra ngô. Năm nào mưa thuận gió hòa thì cái bắp to và đều hạt, còn năm nào hạn hán, sâu bệnh, chuột bọ phá hoại thì mất trắng. Hơn 6 năm, chị Cô từ Bản Tèn về làm dâu ở Lũng Đinh, 2 vợ chồng chị phá hoang trồng ngô, đến nay, diện tích đất để trồng được gần 2 cân ngô giống, thu hoạch được 10 bao (khoảng 4 tạ ngô). Ngô thu hoạch về treo lên gác bếp để làm mèn mén và mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo, mắm, muối. Mỗi lần, chị Cô, ông Hờ... đi chợ là mua sắm đủ mắm muối, dầu ăn cho cả tháng. Năm nào, 2 gia đình cũng nuôi 2-3 con lợn để thịt ăn dần.
Chúng tôi sang nhà ông Dương Văn Hờ. Ông Hờ đã đi vào rừng kiếm củi, ở nhà chỉ còn lại vợ và con gái đang vá quần áo. Cô con gái Dương Thị Xuân của ông Hờ thấy người lạ liền chạy vào núp trong góc nhà. Năm nay, Xuân đã lên 8 tuổi, nhưng chưa đi học. Trước đây, khi 9 người con của vợ chồng ông Sài chưa chuyển đi thì cô bé và các con của ông Sài cùng nhau nô đùa, cười vang khắp núi. Giờ chúng chuyển đi rồi, con gái của chị Cô vẫn nhỏ nên chỉ còn lại cô bé thui thủi một mình quanh nhà.
Chúng tôi hỏi, sao cháu không đi học?
Cô bé gập ngừng rồi nói: Cháu muốn đi học và chơi cùng các bạn, nhưng bố cháu bảo đường xa, không đưa đi học được...
Còn mẹ cháu bé cho biết: Giá như có anh em, họ hàng ở gần trường nào đó thì cũng cho cháu đến ở nhờ để đi học, nhưng chẳng có ai nên đành để ở nhà.
Cuộc sống khó khăn, biệt lập giữa rừng khiến những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đây đều không được tới trường, không biết mặt con chữ. Như gia đình ông Lý Văn Sài khi còn ở đây, có 9 người con, nhà lại nghèo nên vợ chồng ông Sài phải đi vào rừng lấy măng, trồng ngô từ mờ sáng đến tối mịt. Ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, một số lại theo bố mẹ vào rừng phụ giúp trồng ngô nên những người con của ông bà đều không được đến trường. Sau khi ông Sài mất, đầu năm 2019, bà và 9 người con đã chuyển nhà ra Bản Tèn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Chiền, Trưởng xóm Ngọc Sơn 2 chia sẻ: Do những hộ dân ở Lũng Đinh nằm trên đất rừng đặc dụng, không làm được sổ hộ khẩu mà chỉ tạm trú ở xóm nên các chính sách hỗ trợ đối những hộ gia đình này gần như không được hưởng. Cuộc sống quá khó khăn, họ không đủ điều kiện để chuyển tới nơi khác sinh sống...