Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

08:00, 11/12/2019

Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng, chống ma túy, cai nghiện, qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tỉnh ta hiện có khoảng 5.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng đã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, cai nghiện và hỗ trợ người nghiện sau cai.

Theo đó, tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, xã, đội công tác xã hội tình nguyện và cán bộ làm công tác tư vấn trong các cơ sở cai nghiện để nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng chống ma túy, cai nghiện tại địa bàn dân cư trong các trường học, doanh nghiệp, cơ sở cai nghiện trên địa bàn… chú trọng đến những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, người lao động trong doanh nghiệp. Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã xây dựng tài liệu truyền thông như sách, tờ rơi, sổ tay, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bài viết đưa tin trên báo, đài, loa phát thanh… để tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân. 

Năm 2019, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức 14 lớp nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hòa nhập cộng đồng cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với trên 1.000 người tham dự; tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về ma túy học đường cho trên 1.500 học sinh; tổ chức 10 lớp tập huấn phòng ngừa tái sử dụng ma túy cho người sau cai nghiện… Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên kiện toàn, nâng cao năng lực cho ban chỉ đạo an ninh trật tự xã, xóm; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, năng lực chuyên môn, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại các xã, thị trấn...

Cùng với cơ quan chuyên môn, các địa phương đã phát huy vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng  xóm, người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản, người tiêu biểu nhằm hình thành một mạng lưới tuyên truyền rộng khắp và hiệu quả. Các nội dung, hình thức được đa dạng hóa bằng nhiều hoạt động cụ thể như: Cuộc thi về chủ đề phòng, chống ma túy, mại dâm, hIV/AIDS; tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lồng ghép hoặc theo nhóm nhỏ; mở các đợt cao điểm phát hiện, tố giác tội phạm về ma túy. ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình cho biết: Toàn huyện có gần 500 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý. Trong thời gian qua, chúng tôi đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người nghiện đi cai nghiện ma túy. huyện đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tại khu dân cư, thông qua đội ngũ người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, trưởng các đoàn thể. Năm 2019, toàn huyện Phú Bình đã tổ chức cai nghiện cho cho 196 đối tượng, vượt gần 300% chỉ tiêu kế hoạch năm. 

Còn ông Ngô Ngọc Tâm, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội T.X Phổ Yên chia sẻ: Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy, những năm qua, Thị xã đã chú trọng vận động người nghiện tham gia điều trị thay thế các chất nghiện dạng thuốc phiện bằng Methadone. Đến nay, trên địa bàn có gần 500 trường hợp đang sử dụng Methadone, trong đó, không ít người đã đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho trên 1.100 người, trong đó, cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy là trên 600 người.

Toàn tỉnh hiện có trên 2.500 người đang sử dụng Methadone tại các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc thuộc ngành Y tế và Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy vậy, thực tế cho thấy, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. hiện nay, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều gia đình còn bao che, không hợp tác với các cơ quan chức năng, không quan tâm đến việc cai nghiện cho con em, người thân của mình… Theo nhận định của cơ quan chức năng, cách hiệu quả nhất để phòng, chống tệ nạn ma túy là hạn chế không để phát sinh người nghiện mới. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp cần được đẩy mạnh. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền, phòng ngừa, không để gia tăng số người nghiện mới; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm và tổ chức cai nghiện phục hồi, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy.