Kế thừa, phát huy y học cổ truyền dân tộc

08:21, 25/12/2019

Là một thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới” và đạt được nhiều thành tích đáng kể trên mọi lĩnh vực hoạt động. 

Ông Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: Hội Đông y hiện có hơn 2.500 hội viên; 9/9 huyện, thành, thị, 161/180 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội hoạt động; 1 trung tâm kế thừa ứng dụng y dược học cổ truyền... Ngay từ đầu năm, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tập trung các giải pháp thực hiện tốt công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các hội viên.

Theo đó, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc y học cổ truyền để cung cấp kiến thức thực tế, kế thừa, phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý mà ông cha đã để lại. Hàng năm, Hội Đông y liên tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ, hội viên, lương y. Riêng năm 2019, Hội đã tổ chức 7 lớp bồi dưỡng đông y chuyên sâu, lớp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu; tổ chức hội thảo về bài thuốc hay cây thuốc quý; phổ biến phương pháp điều trị hay để chữa bệnh…

Trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân, trong năm, Tỉnh hội đã phối hợp với ngành Y tế trong các hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân. Đã có 158 trạm y tế xã, phường kết hợp với Hội Đông y tỉnh trong áp dụng phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền. Hội Đông y và Sở Y tế đã có quy chế phối hợp hoạt động trong công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh để công tác khám, chữa bệnh được thuận lợi hơn. Một số bệnh mãn tĩnh đã được chữa trị tốt, như: Bệnh xương, khớp, tai biến mạch máu não, cao huyết áp… Để người dân điều trị bệnh thuận tiện hơn, các phòng chẩn trị, nhà thuốc gia truyền đã sản xuất thuốc dưới dạng viên hoàn tán, cao lỏng, rượu thuốc xoa bóp… Nhờ đó, chất lượng điều trị ngày càng được nâng cao và tạo được niềm tin với nhân dân. Nhiều thầy thuốc lành nghề, chữa bệnh có uy tín, như: thầy thuốc Nguyễn Thị Viên (Định Hóa); thầy thuốc Hà Tuấn Nguyên (T.X Phổ Yên)… Nhờ đó, số lượng bệnh nhân khám và điều trị tại các cấp hội, các cơ sở chẩn trị, nhà thuốc gia truyền không ngừng tăng lên. Năm 2019, số người khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền là trên 315.000 lượt bệnh nhân; hơn 83.000 lượt bệnh nhân điều trị không dùng thuốc; 11.000 lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh miễn phí với tổng kinh phí 300 triệu đồng. 

Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, công tác quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh trồng dược liệu, trồng cây thuốc nam cũng được các cấp hội quan tâm chú trọng. Nhằm bảo tồn, phát triển các loại cây thuốc quý đang có xu thế ngày càng cạn kiệt, Hội đã phát động phong trào thi đua tới các cấp hội theo chuyên đề “Trồng cây dược liệu và khám, chữa bệnh từ thiện, nhân đạo”. Một số Hội Đông y đã thực hiện tốt công tác bảo tồn gen và nuôi trồng dược liệu như Hội Đông y huyện Đồng Hỷ với 15ha cây dược liệu; Hội Đông y huyện Phú Lương trồng được 10ha cây dược liệu… Hội Đông y tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội xây dựng vùng chuyên canh, vườn thuốc tại địa phương. Điển hình như hội viên Hội Đông y xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã hiến đất để trồng vườn thuốc mẫu với nhiều cây thuốc quý, như: Gừng đen, Khôi nhung, Ba kích...; gia đình hội viên Nông Thị Hiên ở xóm Ngò, xã Tân Đức (Phú Bình) chuyển đổi hàng nghìn mét vuông đất để trồng cây Nhân trần, Xạ đen... 

Ông Nguyễn Văn Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh cho biết: Thời gian qua, Hội Đông y Thái Nguyên đã phát huy thế mạnh trong việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian tới, Hội Đông y tỉnh cần tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo phát triển nền đông y và Hội Đông y trong tình hình mới; phát triển các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kế thừa những bài thuốc hay, kinh nghiệm chữa bệnh có giá trị…