Một ngày ở Khe Khoang

17:23, 21/12/2019

Xóm người Dao Khe Khoang nằm ở cuối xã Yên Ninh (Phú Lương). Để đến được trung tâm xóm, từ T.P Thái Nguyên, chúng tôi qua Quốc lộ 3 lên các xã Yên Đĩnh, Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) rồi ngược sang Ba Luồng lên Khe Khoang. Hầu hết các tuyến đường liên xã, liên xóm đã được bê tông, từng gấp cua được mở rộng, hạ thấp độ dốc, cảm nhận vùng đất Khe Khoang gần hơn rất nhiều so với những năm trước.

Nhưng Khe Khoang vẫn là một vùng đất mang nhiều chữ nhất không địa phương nào thích: Xa trung tâm huyện nhất; có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo nhất và số hộ đang ở nhà tạm nhiều nhất. Cũng vì kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, nên đồng bào được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều thông qua các dự án phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở. ông Đặng Văn Chu, Trưởng xóm bộc bạch: Tôi biết ở hầu hết các khu dân trong tỉnh, việc xây dựng nhà văn hoá được Nhà nước hỗ trợ một phần nhất định, nhưng với Khe Khoang, năm 2002 Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhà văn hoá; năm 2018, Nhà nước lại hỗ trợ 100% kinh phí sửa chữa, nâng cấp nhà văn hoá… Giây lát dừng lời, ông Chu tiếp tục: Hiện xóm có 74 hộ, 99% số hộ là người dân tộc Dao, 1% còn lại là hộ dân tộc Mường. Đời sống kinh tế của người dân chủ yếu trông vào việc làm chè, làm ruộng và trồng rừng. Trong phát triển kinh tế hộ, thuận lợi ít mà khó khăn còn nhiều. Thực tế hằng năm vẫn còn hộ thiếu tiền mua phân bón đầu tư cho cây trồng.

Còn ông Triệu Nguyên Tài, Phó xóm thì bảo: Chúng tôi tự “áng chừng” với nhau về số liệu phát triển kinh tế, 100% số hộ dân ở Khe Khoang đều có chè. Hộ ít cũng làm gần 1.000m2 đất chè; hộ nhiều làm khoảng 10.000m2 đất chè. Điển hình như nhà ông Triệu Trung Soái, 1 năm thu được khoảng 1 tấn chè búp khô; nhà ông Đặng Chu, 1 năm thu được gần 1 tấn chè búp khô; nhà ông Đặng Văn Hương, 1 năm thu được hơn 1 tấn chè búp khô… Tuy nhiên, chè của đồng bào người Dao Khe Khoang đạt giá trị chưa cao, bình quân bán được 60.000 đồng/kg. 

Trong làm ruộng, làm chè và trồng rừng, đồng bào người Dao Khe Khoang tự giúp nhau làm đổi công. Với các hộ neo người, thiếu sức lao động, đồng bào tự đến thu hái giúp, coi như công việc của gia đình mình. ông Nguyễn Văn Quân, người được đồng bào bình chọn là “Công dân tiêu biểu”, đại diện cho xóm đi dự Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện năm 2019 cho biết: Đồng bào Khe Khoang coi nhau như ruột thịt, một nhà có việc thì cả xóm ai cũng coi như nhà mình có việc. Vì thế, vào thời điểm mùa vụ, các hộ chung tay cùng làm, ai khó khăn cùng giúp, không bao giờ lấy tiền công của nhau.

Cơ chế thị trường đã về Khe Khoang, nhưng không làm người Khe Khoang mất đi tinh thần tương thân, tương ái. Bà Đặng Thị Thanh, chia sẻ: Tương thân tương ái là điều quý giá nhất để người Khe Khoang giúp nhau vượt lên khó khăn thực tại, chung sức xây dựng quê hương. Có mặt ở đó, bà La Thị Chang cho biết: Đời sống người dân Khe Khoang được như hôm nay đã là mừng. Vì xóm hiện không có hộ phải ăn củ rừng ngày giáp hạt. Còn bà Triệu Thị Thanh tự tin: Những năm gần đây, người Dao chúng tôi đã “loại bỏ” được nhiều phong tục tập quán lạc hậu, lãng phí không cần thiết, như: Không tổ chức ma to, cưới lớn. Cụ thể, trong việc hiếu, trước đây làm ma từ 3 đến 4 ngày, trong thời gian làm nghi lễ, cả xóm đến ăn ngày 2 bữa cơm với nhà đám. Còn bây giờ chỉ làm nghi lễ trong 1,5 ngày, ai đến giúp, làm việc cho nhà đám mới ở lại ăn cùng gia đình 1 bữa. Còn việc hỷ, nay không ai thách cưới, cỗ bàn cũng vừa phải, vì còn để tiền làm vốn cho con cái phát triển sản xuất, tạo dựng cuộc sống riêng. 

Nhận thức của đồng bào người Dao ở Khe Khoang đã có nhiều đổi mới. Đặc biệt những năm gần đây, số hộ nghèo giảm nhanh, năm 2018 giảm 9 hộ, năm 2019 giảm 12 hộ. Nhưng hiện Khe Khoang còn 10 hộ nghèo, chiếm 13,5%; số hộ cận nghèo còn 30 hộ, chiếm 40,5%. Cuối tháng 122019, ông Triệu Kim Vinh được Hội Cựu Chiến binh các cấp hỗ trợ 15 triệu đồng, bà con họ mạc giúp đỡ thêm, gia đình ông đã có ngôi nhà ở chắc chắn. Theo đó, số hộ có nhà tạm ở Khe Khoang giảm còn 11 nhà… Cái lằn danh giữa nghèo và cận nghèo của nhiều hộ đồng bào Khe Khoang không đáng kể, chỉ một đợt nắng nóng kéo dài; hoặc một đợt rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, nhiều hộ cận nghèo lập tức tái nghèo. ông Triệu Trung Nguyên, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm suy tư: Cũng vì kinh tế khó khăn nên nhiều hộ trong xóm xin phép không đăng ký tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Như năm 2019, cả xóm có 54 hộ đăng ký, đạt 73%. Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, xóm có 48 hộ đạt gia đình văn hoá, đạt gần 65% so với tổng số hộ của xóm. Năm 2020, xóm cũng chỉ có hơn 70% số hộ đăng ký tham gia phong trào. Nhiều hộ lấy lý do mình còn nghèo, vợ chồng chưa thật sự hòa thuận nên không đăng ký. Nhưng các cuộc họp xóm đồng bào tham gia đầy đủ và có ý kiến đóng góp tích cực cho việc xây dựng quy ước, hương ước thực hiện nếp sống văn minh. 

Chiều muộn, từ các nương chè, đồng bào í ới gọi nhau trở về nhà. Tôi chợt thấy tiếc nuối bởi câu chuyện với trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận và người dân xóm Khe Khoang dành cho tôi lời còn chưa cạn. Đứng ở sân nhà văn hoá, ông Đặng Văn Chu nắm chặt bàn tay tôi, nấn ná hẹn dịp sau gặp lại, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào người Dao Khe Khoang chắc chắn sẽ khác nhiều.