Nỗi niềm người còn sống

10:18, 05/12/2019

Bà ngồi đó, ngay trước mặt tôi, mệt mỏi với khuôn mặt buồn. Bà là một trong số bảy trường hợp của Đại đội TNXP 915, Đội 91 Bắc Thái may mắn sống sót sau trận bom B52 tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) vào đêm noel năm 1972. Đó là cựu TNXP Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ). 

Bà kể: 19 tuổi, tôi trúng tuyển TNXP Đội 91 Bắc Thái. Cùng xã còn có các anh chị: Hoàng Văn Tung, Trần Thị Mai, Nguyễn Thị Lý và Hoàng Văn Chấm. Chúng tôi cùng được biên chế về Đại đội 915. Do điều kiện bấy giờ khó khăn, nên Đại đội được chia thành từng nhóm nhỏ và được bố trí, sắp xếp ở nhờ nhà dân tại khu vực xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên).

Thời TNXP, bà Hội 2 lần bị bom khiến phải chết đi sống lại. Lần 1 xảy ra ngày 13/9/1972. Hôm đó, bà cùng đơn vị làm nhiệm vụ san lấp, vá ổ gà tại đoạn đường ở khu vực xóm Làng Phan, xã Linh Sơn. Bất thình lình, một tốp máy bay địch xuất hiện, bổ nhào ném bom vào trận địa. Bà nhớ lại: Tôi vừa xấp mặt xuống, 2 tay ôm chặt đầu thì thấy có tiếng nổ inh tai, nhức óc. Khi tỉnh dậy tôi thấy đồng đội đang xúm quanh mình. Mọi người reo lên: “Nó sống lại rồi”. 

Lần 2 xảy ra vào buổi tối 24/12/1972, bà Hội tham gia bốc dỡ hàng hóa cùng đồng đội tại khu vực ga Lưu Xá. Lúc chập tối, nhận lệnh nghỉ ngơi tại chỗ, chuẩn bị ăn cơm thì bất thình lình cả mặt đất rung lên bần bật, căn hầm đơn vị trú ẩn trúng bom sập xuống, 60 cán bộ, đội viên hy sinh tại chỗ. Bà Hội còn nhớ như in: Tôi bị hất tung lên cao rồi rơi xuống đống bê tông, gạch đá bay rào rào, phủ cả lên người, mũi miệng mặn chát vì máu. Trong trạng thái hoang mang, lo sợ, tôi thấy gần chỗ mình nằm có tiếng anh Hoàng Văn Thắng, quê ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn): “Hội ơi, cứu anh”… rồi tiếng gọi ấy lả đi. Tôi cũng mê man bất tỉnh vì đau đớn.

Sau 2 lần chết hụt vì bom đạn, bà tiếp tục tham gia TNXP cho đến năm 1975, đơn vị giải tán, bà xin chuyển ngành sang Công ty Xây lắp 1 Bắc Thái. Cuối năm đó, bà lấy chồng. Cưới nhau được ít ngày thì chồng bà là ông Trần Quang Vinh tình nguyện nhập ngũ. Đành gác sự nghiệp riêng, bà xin thôi việc về thay chồng chăm nom mẹ chồng già gần 90 tuổi. Ông Vinh được chính quyền địa phương giữ lại làm cán bộ xã, còn bà bằng lòng với cuộc sống thôn dã. Bà chia sẻ: Từ năm 1976 đến 1985, tôi sinh 5 đứa con, cuộc sống của cả nhà trông vào 6 sào ruộng và 4 sào chè. Bản thân đau yếu, kinh tế gia đình thường xuyên đứng ở lằn danh nghèo và cận nghèo. Nhiều lần vợ chồng phải mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng để vay tiền cho các con ăn học.

Cuộc sống kham khổ, nhọc nhằn cộng với di chứng do sức ép của bom đạn chiến tranh, khiến nhiều thứ bệnh ùa về, xâu xé, tàn phá sức khỏe, tinh thần, khiến bà suy kiệt, mộng mị bao chùm đêm ngủ. Bà kể: Nhiều lần vừa chợp mắt đã thấy chúng nó (đồng đội cũ của bà) ùa về, đứa cầm tay, đứa níu áo rủ đi chơi. Rồi chúng nó khóc. Đứa kêu đau đầu, đứa bảo bị vỡ tim, có đứa ôm bụng bảo bị dập gan, có đứa không nói gì, ngồi trầm ngâm nhìn tôi… Mồ hôi nhễ nhãi, người sốt đùng đùng, tôi giật mình tỉnh dậy, khóc. Sớm ra, đạp xe đến thăm bố mẹ anh Tung, chị Mai, chị Lý, xin phép các cụ thắp nén hương gửi tới vong linh người nơi chín suối. Lần nào gặp tôi các cụ cũng khóc, bảo: Hội ơi, mấy đứa đi với nhau, sao mày không rủ chúng nó cùng về… Mỗi lần như thế, bà cắn răng đến bật máu môi vì tủi. Tủi vì thấy mình như người có tội với mẹ của đồng đội. Tủi vì mình được sống, nhưng thường xuyên bị đau ốm.

Ông Hà Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP nói đầy trăn trở: Về trường hợp của chị Hội, chúng tôi nhiều lần kiến nghị với các cấp, ngành chức năng liên quan, đề nghị nghiên cứu, giải quyết cho chị được hưởng chế độ chính sách như thương binh… Về việc này, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội đã có văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Cựu TNXP tỉnh… trong đó ghi rõ việc bà Lương Thị Hội đã 2 lần được khám giám định thương tật. Lần 1 ngày 9/8/1974, Hội đồng Khám xét thương tật tỉnh Bắc Thái xác định tỷ lệ thương tật 5%. Lần 2 ngày 18/10/2001, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận tỷ lệ thương tật 16%. Bà Hội đã được giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, như chế độ trợ cấp đối với TNXP. Gần đây nhất, năm 2018, bà Hội được hỗ trợ sửa nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ 20 triệu đồng. Ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện, bà Hội có đơn đề nghị khám bổ sung vết thương trước đây chưa khai, như vết thương trên đầu, ở trán và bên đùi trái, là viết thương thực thể còn để lại sẹo. Sở đã xác minh và được các nhân chứng xác nhận. Trên cơ sở đó, Sở đã có văn bản gửi Cục Người có công để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, đề nghị tạo điều kiện cho trường hợp bà Hội được giám định tiếp vết thương còn sót chưa kê khai. Sở luôn làm hết trách nhiệm, vì đó là lương tâm con người, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với đất nước.

Bà Hội bùi ngùi: Nhiều đồng đội của tôi yên giấc ở cõi người hiền. Còn tôi sống cùng đau đớn vết tích đạn bom. Tôi mong được hưởng chế độ chính sách như thương binh. Sẽ chờ đợi, hy vọng, vì tôi có niềm tin sắt son vào Đảng, Nhà nước.