Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện chương trình tuyên truyền lưu động về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ Thái, qua đó chúng tôi mới hiểu kiểm soát chất lượng thực phẩm tại chợ không dễ.
Tại quầy hàng bán thịt, khu vực tầng hầm của chợ Thái, bà Nguyễn Thị Lan, quầy số 72 cho biết: Ruốc thịt lợn có nhiều loại, trong đó hàng nhập từ Hưng Yên (chỉ có số điện thoại nhà phân phối) giá bán là 200.000-250.000đ/kg, nhưng hàng đặt thì gia đình làm sẽ bán 450.000500.000đ/kg. Khi được hỏi về chất lượng, nguồn gốc và vì sao lại có sự chênh lệch về giá như vậy? Bà Lan cho biết: Tâm lý người tiêu dùng là muốn mua rẻ, còn chất lượng, nguồn gốc thì các anh chị đi hỏi… nhà phân phối, đơn vị giao hàng. Cả chợ bán hàng cùng loại, cùng giá này, mỗi mình tôi bán loại 400.000đ/kg thì ai dám mua? Có nói loại mình làm tốt hơn cũng khó thuyết phục khách hàng. Tất cả do khách hàng quyết định, nên người bán phải phục vụ đa dạng.
Cũng tại quầy, bà Lan còn nhập và kinh doanh nhiều sản phẩm chế biến từ thịt lợn của cơ sở sản xuất Hùng Nga (T.P Thái Nguyên), nhưng không có các thông tin cụ thể, như: Thời gian sản xuất, hạn sử dụng… Đó là chợ Thái, còn các chợ khác cũng tương tự và gần như không có sự giám sát chặt chẽ.
Trong chương trình giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh tại huyện Đồng Hỷ tháng 112019, theo báo cáo của UBND huyện: Toàn huyện chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Hoạt động kinh doanh thực phẩm tại các chợ (thịt, cá… tươi sống) hầu như tự các hộ mang đến chợ kinh doanh chủ yếu phục vụ người dân nông thôn tại địa phương. Trong khi lực lượng cán bộ chuyên trách của huyện cũng chưa đủ phương tiện, thiết bị và nhân lực để kiểm tra, xác nhận chất lượng ATVSTP tại các chợ hàng ngày.
Đồng chí Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết: Cơ quan thường trực là Phòng Y tế, nhưng đội ngũ cán bộ chỉ có 2 người. Các thiết bị kiểm tra nhanh được trang bị cũng phải mất 5-6 tiếng đồng hồ sau mới cho kết quả. Trong khi huyện có gần hai chục chợ, điểm bán hàng tập trung nên rất khó kiểm soát. Chủ yếu người dân tự chủ động giám sát và cập nhật kiến thức về ATVSTP để phòng ngừa.
Cũng trong chương trình giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh tại ngành Công Thương, báo cáo của ngành nêu rõ: Trên địa bàn tỉnh hiện có 140 chợ, trong đó có 3 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, còn lại là chợ hạng III, cung cấp khoảng hơn 60% số thực phẩm phục vụ đời sống của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kinh doanh thực phẩm tại các chợ vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP. Đối với ngành Công Thương, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch chợ, còn tham mưu phê duyệt nội quy chợ, sắp xếp các khu vực thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín, thoát nước và xử lý chất thải trong chợ. Tuy nhiên, hiện các Ban Quản lý Chợ mới thực hiện nhiệm vụ quản lý về an ninh trật tự, việc kiểm soát thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, giải pháp trước mắt là cần tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người kinh doanh và tiêu dùng về việc cần thiết phải sản xuất và sử dụng đối với thực phẩm an toàn; tích cực vận động các tiểu thương kinh doanh ổn định trong chợ, tránh kinh doanh tại lòng, lề đường gây mất ATVSTP.
Từ thực tế trên có thể thấy: Việc chấp hành pháp luật về ATVSTP của người dân vẫn còn hạn chế, trong khi điều kiện hạ tầng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, kiểm soát ATTP chưa đồng bộ; phần lớn hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng vẫn mang tính nhỏ lẻ và chủ yếu phuc vụ tại chợ, khu dân cư nông thôn. Chính vì vậy, để chủ động kiểm soát thì người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo đảm ATVSTP. Bên cạnh đó cần thay đổi hành vi, thói quen mua, sử dụng thực phẩm theo đúng quy định về ATVSTP.