Chè Thượng hạng

09:08, 27/01/2020

Kể từ thuở ông Đội Năm làm ra chè Cánh Hạc, giao bán cho người sành ẩm ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam (1925) đến nay vừa tròn 105 năm. Đặc biệt, năm 1935, chè Cánh Hạc của ông mang đi dự thi tại Đấu Xảo Hà Nội đoạt giải Nhất, thì thương hiệu chè Thái Nguyên càng trở nên nức tiếng, được thương gia Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới đặt mua với số lượng lớn.    

Chè Cánh Hạc chính là loại sản phẩm chè một tôm hai lá. Gọi nôm na, dễ hiểu là khi thu hái, người nông dân chỉ lấy phần có 2 lá đang ôm lấy đọt búp, mang về sao suốt, lên hương. Ở đâu có cây chè, người nông dân cũng dễ dàng làm ra sản phẩm tương tự này. Nhưng không phải ở đâu, và dù khéo léo chế biến như thế nào chăng nữa cũng chỉ làm ra được mẫu mã sản phẩm đẹp mắt, song không thể đạt đỉnh về chất lượng hương, vị bởi điều kiện thổ nhưỡng, yếu tố quan trọng cho cây chè dư vị ngọt. Nhiều nghệ nhân chè ở cao nguyên Lâm Đồng, ở Vĩnh Phúc hoặc ở xứ trà Shan tuyết thuộc các tỉnh miền ngược về Thái Nguyên, thưởng trà đều tấm tắc một câu: Luận về chè xanh, không đâu bằng đất Thái Nguyên. Và “cái rốn” cho sản phẩm chè đạt tới tuyệt đỉnh nằm ở vùng đất thuộc xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương. 

Ông Trần Văn Thắng, một nghệ nhân làm chè có thương hiệu trong vùng cho biết: Ngày trước, nông dân vùng này làm ra các loại chè cơ bản, gồm chè móc câu, chè bồm và chè cám. Chè móc câu là loại ngon nhất, đắt nhất nhưng có giá bán mang tính đại chúng, tức là ai cũng có thể mua được chè ngon để uống. Song từ nhiều năm nay, chè móc câu chưa phải là loại ngon nhất, vì các nghệ nhân còn chế biến ra nhiều loại chè thượng hạng, có giá bán cao hơn nhiều lần so với chè móc câu đó là chè Đinh Ngọc. Chè Đinh Ngọc, có giá bán cao nhất là 5 triệu đồng/kg. 

Nghệ nhân Lê Quang Nghìn chia sẻ: Đinh Ngọc là loại chè hiếm, không phải lúc nào cũng có sẵn trong nhà, muốn sở hữu được thì phải đặt mua trước từ 1 đến 3 tháng… Thế mới biết, sống giữa vùng chè, ngày nào cũng “Bình minh sổ trản trà”, nhưng phải thật may mắn mới được thưởng trà thượng hạng.

Khách có nhu cầu mua chè thượng hạng thường đặt trước một khoản tiền nhất định. Chủ nương chè bắt đầu lên kế hoạch sản xuất, chế biến, như: Khoanh vùng để chăm sóc, bón chè bằng phân hữu cơ, phun thuốc thảo mộc sinh học theo quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Việc này trong tầm tay của các hộ trồng chè. Khó khăn nhất là huy động nhân công tham gia thu hái. Khoảng từ 17 đến 20 người cùng lên đồi nhặt búp nõn. Gọi là nhặt chè, vì không thể hái lẫn lá chè non. Thời gian nhặt nõn chè chỉ được thực hiện từ lúc mặt trời mới nhô lên cho đến lúc cao ngang ngọn sào. Vừa nhặt, vừa bảo quản chè trong rổ, vì nếu mặt trời lên quá cao, chè bị táp lá; hoặc chè để nén chặt trong rổ sẽ bị dập nát, bị ôi ngốt, không thể cho chất lượng tốt như mong muốn.

Công việc thu hái chè cũng nhiều công phu. Vì sau khi nhặt từng nõn chè, mặt tán còn chừa lại phần búp non, gọi là “không tôm hai lá”, chủ nương chè phải đi hái lại để tạo tán lấy sức cho cây chè lên đợt búp sau. Hoặc việc thu hái được thực hiện như hái chè thường, nhưng phải bảo quản tốt, không lèn chặt chè trong sọt. Chè mang về, trải ra nền nhà và… ngồi lựa nhặt lại từng nõn chè. Từ khâu thu hái đã quá cầu kỳ, tỷ mẩn, sang đến công đoạn chế biến càng quan trọng hơn. Bắt đầu là héo chè, vò chè thì có thể sử dụng máy tôn quay và máy vò. Nhưng đến công đoạn làm khô chè buộc nghệ nhân phải thực hiện theo phương pháp thủ công, tức là sao chè trên chảo gang. Công đoạn này bắt buộc nghệ nhân phải ngồi trực tiếp bên bếp lò, đôi bàn tay liên tục đảo chè trong chảo. Không chỉ đòi hỏi sự kiên nhẫn, mà còn đòi hỏi nghệ nhân cần có sự cảm nhận đặc biệt về nhiệt lượng. Cho chè chậm khô, Đinh Ngọc mới cho vị hương cốm non, có vị chát, ngọt dịu... 

Chè thượng hạng Đinh Ngọc là thú vui chơi thương hiệu của nghệ nhân vùng chè; đồng thời là thú vui thưởng ẩm của một số ít thượng đế. Để làm ra 1 kg chè thượng hạng mang nhãn hiệu Đinh Ngọc, phải kéo theo đó là 5 kg chè lá. Bởi thế, chè thượng hạng Đinh Ngọc xứng đáng được bán với giá cao.