Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh tý 2020. Đây là thời điểm các gia đình trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đều muốn dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Vì thế các loại dịch vụ dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, giặt rèm… cũng trở nên “đắt khách” hơn ngày thường rất nhiều.
Chị Lê Thị Hương, tổ 24, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ giáp Tết là tôi thuê các cơ sở dọn vệ sinh công nghiệp. Tuy giá cao (khoảng 1 triệu đồng/100m2) nhưng họ làm khá chuyên nghiệp, các đồ đạc, ngõ ngách, nhà vệ sinh, sàn nhà… đều được họ làm sạch gần như triệt để. Vì tôi là khách quen nên những ngày giáp Tết, bên cung cấp dịch vụ không tăng so với ngày thường (mỗi năm gia đình dọn 2 lần). Còn những gia đình mới làm lần đầu, giá cả có thể đắt hơn một chút. Thậm chí, nhiều nhà còn bị cơ sở dịch vụ cố tình “bỏ quên” vì không tìm đủ nhân lực để làm.
Đúng như chia sẻ của chị Hương, những ngày này, nhiều cơ sở làm dịch vụ dọn vệ sinh công nghiệp đang gần như quá tải. Chị Phương Mai, chủ cơ sở dịch vụ vệ sinh công nghiệp, có trụ sở tại số 884, đường Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tôi làm dịch vụ này đã nhiều năm rồi. Chúng tôi nhận vệ sinh công nghiệp, thủ công, chuyển nhà trọn gói, dọn nhà mới hoàn thiện, nhà cũ nâng cấp sửa chữa và nhà vườn, cây cảnh, vườn hoa…
Là cơ sở làm dịch vụ có uy tín, ngày thường, chị Mai nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách, nhất là dịch vụ dọn vệ sinh nhà cửa trọn gói, thậm chí là các cơ quan, đơn vị trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, những ngày cận Tết, lượng khách hàng tìm đến cơ sở chị đặt lịch tăng gấp đôi, ba lần ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị đã tuyển sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn làm việc theo hình thức bán thời gian. Trung bình, mỗi ngày làm việc, một người sẽ được trả khoảng 200 đến 300 nghìn đồng.
Trên thực tế, cơ sở của chị Mai đã giúp cho sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, những ngày cận Tết, khi nhu cầu về nhân thực tăng cao thì lượng sinh viên lại ít đi do nhiều em đã về quê ăn Tết. Bởi thế, những người ở lại cộng tác với chị không nhiều, hầu hết là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Sinh viên Lường Văn Tâm, người dân tộc Thái, quê ở Điện Biên, hiện đang học tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông – Vận tải Thái Nguyên nói: Những hôm không có giờ học, tôi sẽ đăng ký làm việc cho cơ sở Duy Mai. Thời điểm này, Nhà trường bắt đầu cho chúng tôi nghỉ Tết, nên tôi tranh thủ làm thêm để có tiền phụ giúp bố mẹ. Quê tôi nghèo lắm, với số tiền thu được từ làm thêm dịp giáp Tết (khoảng 3 đến 4 triệu đồng cao hơn gấp đôi số tiền mỗi tháng tôi kiếm được từ bưng bê phục vụ đám cưới), gia đình tôi sẽ có cái Tết đủ đầy hơn.
Chia sẻ của sinh viên Tâm cũng rất giống với bạn Giàng A Mùa, người dân tộc Mông, quê Yên Bái, hiện đang theo học tại Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên. Vì mong muốn có tiền tiêu trong dịp Tết, sau khi được nghỉ học, Mùa đã nán lại để cộng tác với chị Mai đi làm công việc dọn vệ sinh.
Ngoài các cơ sở làm dịch vụ dọn vệ sinh công nghiệp như Duy Mai, thị trường ngày Tết ở thành phố Thái Nguyên cũng xuất hiện nhiều người dọn dẹp riêng lẻ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, thường trú tại phường Tân Long (T.P Thài Nguyên) cho hay: Tôi làm công việc dọn vệ sinh đã 6 năm nay. Luân phiên dọn dẹp vệ sinh cho rất nhiều gia đình (150 nghìn đồng/buổi), mỗi tháng tôi cũng thu gần chục triệu đồng. Cùng với lượng khách hàng thường xuyên (dọn nhà theo tuần), ngày giáp Tết, khi nhu cầu dọn nhà của các gia đình tăng cao, tôi nhận làm khoán (giá cao gấp đôi) nên thu nhập cũng tăng rất cao so với những ngày thường.
Dù thu nhập tăng cao nhưng nhiều người không thể trụ được đến ngày 30 Tết vì vấn đề sức khoẻ và thiếu nhân lực. Theo chị Phương Mai, mỗi ngày, chị chỉ có thế nhận làm khoán từ 1 đến 2 gia đình vì mỗi nhà sẽ có diện tích, tình trạng khác nhau. Có những nhà, có khi cả năm mới dọn 1 lần nên nhà cửa rất bề bộn, bụi bặm, chị và mọi người phải dọn dẹp cả buổi mới xong. Tình trạng đi sớm về khuya, cả ngày không ăn uống gì là chuyện bình thường. Hơn nữa, trong quá trình làm, nhiều khi chị lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười khi có gia đình cố tình làm khó để “quỵt” tiền. Đơn cử như dịp năm ngoái, chị dọn nhà cho một gia đình ở xã Hồng Tiến (thị xã Phổ Yên). Với giá thỏa thuận làm trọn gói cho gia đình số tiền 10 triệu đồng, nhưng khi hoàn thành, gia chủ chỉ trả chị 6 triệu đồng. Chị bảo: Tiền đi lại, ăn trưa, tiền công cho nhân công đã mất hơn con số ấy nên tôi đã bị “lỗ vốn”. Dù mất tiền nhưng đây là bài học để tôi biết thanh lọc, lựa chọn những khách hàng đáng tin tưởng.
Người cung cấp dịch vụ là vậy, người lựa chọn dịch vụ cũng rơi vào các tình huống khó xử. Theo chị Lê Thị Hà, đường Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên), lịch nghỉ Tết của chị bắt đầu nghỉ từ ngày 28 nhưng đa số các đội dịch vụ chị tìm đều kín lịch từ ngày 28-30 Tết, nên thường thì sau ngày 23 tháng Chạp, chị phải xin nghỉ làm 1 ngày ở nhà để đội dịch vụ đến dọn dẹp. Tuy nhiên, có những năm, mất thời gian cả ngày nhưng nhà cửa của chị vẫn còn nhiều vết bẩn không được xử lý hết vì bên cung cấp dịch vụ thiếu kinh nghiệm và không có đầy đủ thiết bị.
Có thể thấy, cứ nhắc đến dịch vụ thì dù người cung cấp hay người sử dụng đều có những "nỗi khổ" riêng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Bởi vậy, các gia đình nên có kế hoạch sớm khi sử dụng các dịch vụ dọn dẹp nhà cửa để thuận lợi hơn cho sự chuẩn bị của các bên cung cấp dịch vụ này.