Giúp nông dân tiếp cận với công nghệ mới

12:03, 06/01/2020

Với vai trò là đơn vị “cầu nối” giúp người nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên đã phối hợp tổ chức đưa công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng máy bay không người lái vào áp dụng. Công nghệ này bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, được bà con, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên đã phối hợp với Công ty cổ phần Đại Thành (tỉnh Bắc Ninh) tổ chức trình diễn phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái trên 5ha cây ăn quả tại xã Phúc Thuận, 5ha lúa tại xã Tân Hương. Những điểm lựa chọn bay, chủ yếu là cánh đồng một giống hoặc khác giống nhưng có chu kỳ sinh trưởng giống nhau. Qua đó, cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên nói: Với hệ thống định vị vệ tinh giúp máy bay hoạt động tự động, ghi nhớ lập bản đồ khu vực cần phun thuốc BVTV và kiểm soát khu vực phun theo chu trình được định sẵn. Vì vậy, máy bay không người lái chỉ cần từ 15-20 phút là phun xong 1ha. Nếu như so với phun thuốc BVTV theo kiểu thủ công, người dân phải mất từ 1,5-2 ngày. 

Ngoài tiết kiệm thời gian cho người nông dân, sử dụng thiết bị máy bay phun thuốc BVTV còn giúp tăng hiệu quả diệt trừ sâu bệnh trên cây trồng. Ông Bùi Huy Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Sau khi phun thử nghiệm thuốc BVTV bằng máy bay không người lái trên cánh đồng một giống tại xóm Tân Long 2, cho thấy năng suất lúa vụ Xuân 2019 đạt 54 tạ/ha, tăng 2-3 tạ/ha so với những cánh đồng khác. Còn theo bà Nguyễn Thị Thủy, người dân ở xóm Hương Đình 2, xã Tân Hương: Tôi thấy phun thuốc BVTV bằng thiết bị máy bay chỉ cần pha từ 10-12 lít nước với thuốc BVTV để phun cho 1 ha, giúp giảm từ 15-20% lượng nước so với phun thủ công.

Điểm nổi bật nữa của công nghệ phun thuốc BVTV bằng máy không người lái đó là chi phí cho mỗi lần phun sẽ tiết kiệm hơn so với phun thủ công. Cụ thể, theo tính toán của các nhà cung ứng dịch vụ, đối với cây lúa, chi phí công phun và thuốc bằng thiết bị máy bay chỉ hết khoảng 850.000 đồng/ha (so với phun thuê nhân công tiết kiệm trên 400.000 đồng/ha), thời gian phun chỉ từ 15-20 phút. Còn đối với cây ăn quả, chi phí công phun và thuốc BVTV đối với thiết bị máy bay chỉ khoảng 800.000 đồng/ha (so với phun thủ công giúp tiết kiệm từ 200-400.000 đồng/ha). Sở dĩ có điều này là do việc phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái được thực hiện tập trung, đồng loạt và bằng công nghệ cao nên tỉ lệ thất thoát thuốc BVTV thấp, giúp tiết kiệm chi phí vật tư. 

Qua thực nghiệm áp dụng phun thuốc BVTV bằng thiết bị máy bay không người lái đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Ông Phạm Văn Mạnh, phân tích: Chi phí đầu tư mua máy đối với người nông dân còn khá cao (từ 300-750 triệu đồng/chiếc, tùy theo công nghệ); các cánh đồng lúa trên địa bàn Thị xã nói chung chưa có sự đồng bộ về cùng một loại giống, thời kỳ sinh trưởng và quy mô chưa tập trung nên khó phát huy tối đa khi sử dụng máy bay không người lái vào phun thuốc BVTV… 

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp T.X Phổ Yên, Phạm Văn Mạnh cho biết thêm: Việc ưu tiên, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu trong tương lai. Vì thế, chúng tôi sẽ từng bước nhân rộng mô hình máy bay không người lái trong phun thuốc BVTV trên địa bàn các xã, phường. Tuy nhiên, để mô hình được đưa vào sản xuất nông nghiệp đại trà như máy gặt, máy làm đất, thì rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong tuyên truyền, vận động người dân hình thành thói quen gieo trồng cùng một giống và cùng vào một thời điểm; ưu tiên, bố trí quỹ đất nông nghiệp để thực hiện các mô hình cánh đồng mẫu lớn và mang tính tập trung. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cũng mong muốn Nhà nước có thêm điều kiện, cơ chế hỗ trợ cho đơn vị đầu tư mua thiết bị máy bay phun thuốc BVTV nhằm phát huy chức năng dịch vụ của mình và đưa mô hình ngày càng được áp dụng phổ biến, rộng rãi hơn.