Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi may mắn được gặp những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ. Nghe họ kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng, chúng tôi càng trân trọng, biết ơn vô hạn về những hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước.
Ông Trần Văn Quỳnh, xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận (Đại Từ) kể lại với chúng tôi: Tôi đi bộ đội năm 1966, được biên chế vào Sư đoàn 308, đóng quân tại Quảng Trị. Một buổi sáng mùa Thu năm 1969, đang chiến đấu tại Quảng Nam, tôi cùng 4 anh em nữa bất ngờ bị địch phục kích bắn xối xả. Tôi bị gãy xương đùi, bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, thấy mình đã trong tay địch, và những ngày tháng tù đày nơi “địa ngục trần gian” chính thức bắt đầu. Suốt hơn 3 năm, tôi bị giam cầm lần lượt tại các nhà tù: Non nước, Biên Hòa, Côn Đảo và Phú Quốc. Ở trong tù tôi bị thương nặng, nằm liệt một chỗ, thở cũng khó nhọc. Thỉnh thoảng, những miếng xương trong vết thương ở chân đùn ra, tôi lại lấy miếng vải băng vào, mỗi ngày, cai ngục lại dùng gậy chọc vào đó để điểm danh, buốt tận lên óc. Thế nhưng, đau đớn của tôi chưa thấm vào đâu so với đồng đội. Họ phải “nếm” đủ các ngón đòn tra tấn dã man: Đánh đập, đóng đinh, đục răng, nhốt vào chuồng cọp, dội nước sôi, phơi nắng nhiều tuần liên tiếp… Song, chúng vẫn không lung lay được tinh thần cách mạng của những người tù cộng sản. Ông chợt dừng lời, mắt ánh lên nỗi buồn: Tôi trở về quê hương mang trong mình 43% thương tật và bị nhiễm chất độc da cam. Vợ tôi bị bệnh nằm liệt giường 30 năm nay. Song tôi luôn nghĩ dù cuộc sống khó khăn cũng không được nản chí, tôi luôn chăm sóc vợ và cố gắng sống tốt với xóm làng, anh em đồng đội.
Còn với ông Đào Trung Tính, 80 tuổi, ở tổ 30, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên), ký ức về những ngày bị tra tấn trong ngục tù luôn hằn sâu trong tâm trí. Ông nhập ngũ năm 1968, được biên chế vào Trung đoàn Quyết Thắng (Quân khu Sài Gòn Gia Định) đóng quân ở quận Củ Chi. Trong một trận giao chiến với địch, ông bị lính Mỹ dộng cho 2 báng súng vào sườn. Thấy ông không khuất phục, chúng bồi tiếp 1 báng súng vào hàm, rồi lôi lên máy bay đưa về căn cứ của chúng ở Đồng Dù. Sau đó, chúng nhốt ông vào thùng container, sáng ra lại lôi đi lấy khẩu cung. Ông bảo: Vì biết tôi là đảng viên, là sĩ quan cấp trung đội nên chúng cố gắng chiêu hồi. Sau 1 tuần bất lực, chúng đưa tôi về Tổng tham mưu quân ngụy xét hỏi. Tại đây, tôi bắt đầu nếm trải những cực hình tra tấn. Chúng dằn tôi ra nền xi măng, hòa nước xà phòng đổ vào miệng rồi đạp vào bụng làm nôn mửa. Chúng cho tôi ngồi ghế điện; dùng dây treo dốc ngược đầu xuống đất, không lấy được lời khai như ý muốn, chúng ném tôi vào thùng phi, gõ làm buốt óc. Đánh chán, chúng đưa tôi về trại giam Hố Nai (Biên Hoà), rồi tiếp tục chuyển ra nhà tù Phú Quốc giam giữ. Ở nhà tù Phú Quốc, tôi tiếp tục bị đục gẫy 2 răng và giam vào chuồng cọp chật hẹp, không đứng, không nằm được. Thế nhưng, tôi luôn nêu cao tinh thần đấu tranh, vận động các đồng đội đoàn kết đòi nhân quyền với bọn cai ngục… Khi đó, tôi được các đồng chí bầu làm trưởng phòng giam; chi ủy viên của chi bộ Đảng, nên nhiệm vụ của tôi là chăm lo tinh thần cho các đồng chí cùng phòng, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ vững tin vào chiến thắng, cùng đoàn kết, giữ vững đội hình chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1973, sau khi được trả lại tự do theo quyết định trao trả của Hiệp định Paris, ông trở về công tác tại Thành đội Sài Gòn và phục vụ trong Quân đội đến năm 1977, rồi chuyển ngành về công tác tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ở đâu, vị trí nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1981 ông nghỉ chế độ mất sức lao động, nhưng vẫn tiếp tục tham gia làm tổ trưởng dân phố, phó bí thư chi bộ. Hiện, ông là Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày T.P Thái Nguyên. Với trách nhiệm của mình, ông luôn tích cực tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ đồng đội.
Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh cho biết: Sống trong nhà lao của địch là sống trong thế ngàn cân treo sợi tóc, giữa cái sống và cái chết, chúng tôi vẫn luôn đoàn kết dưới sự lãnh đạo của các đảng viên trong từng chi bộ nhà lao. Với lòng căm thù giặc, sự kiên gan, bền bỉ chúng tôi đã biến nhà tù thành trường học. Đã có nhiều đồng chí
được kết nạp Đảng ngay trong nhà tù... Trở về với đời thường, nhiều anh em gặp rất nhiều khó khăn do di chứng chiến tranh, những vết thương trong ngục tù luôn hành hạ thể xác những lúc trái gió, trở trời song chúng tôi luôn phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực vượt qua khó khăn, là tấm gương sáng trong làng xóm và con cháu noi theo.
Được thành lập từ năm 2004, đến nay, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hiện có 156 hội viên sinh hoạt ở 8 chi hội huyện, thành, thị. Đã từng vào sinh ra tử trong chiến trường năm xưa nên giờ đây ai cũng nhớ về đồng đội, dành cho nhau những tình cảm nồng ấm cũng như chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Từ năm 2014 đến nay, Ban liên lạc đã tổ chức thăm hỏi được gần 200 hội viên ốm đau; thăm viếng gần 70 hội viên qua đời, hỗ trợ, giúp đỡ 27 hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, Ban cũng luôn vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Hàng năm, Ban đều tổ chức gặp mặt truyền thống, cùng nhau ôn lại kỷ niệm, chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Mỗi người một công việc khác nhau, nhưng tất cả đều có cuộc sống đầm ấm, con cháu hiếu thảo, thành đạt.