Cần cù, chịu khó, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, ông Vũ Ngọc Quang, xóm Hồng Tiến, xã Trung Lương (Định Hóa) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất canh tác, từng bước xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mới đây, gia đình ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen là một trong những hộ nông dân điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2017-2019.
Một buổi chiều cuối đông, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại của gia đình ông Quang nằm cách biệt ở cuối xóm Hồng Tiến. Lão nông có dáng người thấp, gầy, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt sáng với vẻ nhanh nhẹn, tháo vát đang cần mẫn chăm sóc những cây bưởi sai trĩu quả. Đưa cánh tay gầy guộc lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, ông đon đả mời khách vào căn lán nhỏ uống nước. Nhấp chén chè nóng, tôi được nghe vợ chồng ông kể lại những ngày gian khó tìm hướng thoát nghèo. Ngày mới lấy nhau, vợ chồng ông chỉ có căn nhà gỗ được bố mẹ để lại. Sau rồi hai vợ chồng ông khai hoang khu đất đầy lau lách, cỏ dại phía sau nhà trồng được hơn 2ha chè và làm ruộng. Ông trút bầu tâm sự: “Hồi đó thức khuya, dậy sớm, làm việc quần quật cả ngày mà cũng chỉ đủ ăn, nhưng vẫn phải cố gắng chắt chiu để nuôi các em ăn học”.
Dù cuộc sống khó khăn là thế, nhưng hai vợ chồng ông vẫn cố gắng vươn lên. Với số tiền dành dụm tích góp nhiều năm, năm 2000, gia đình ông đã xây được ngôi nhà cấp bốn gần 30 triệu đồng. Vài năm sau, khi chè được trồng phổ biến khắp nơi, tư thương ép giá khiến chè bán chẳng được bao nhiêu. Những khó khăn ấy thúc giục ông phải tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế. Ông trăn trở nhiều đêm nghiên cứu, tìm hiểu từ sách báo, truyền hình… để tìm giống cây mở hướng làm giàu. Năm 2013, ông quyết định chuyển đổi diện tích trồng chè, lúa sang trồng cây ăn quả có múi. Với đồng vốn là tiền dành dụm của hai vợ chồng, ông lặn lội tìm mua cây giống ở tận Văn Giang (Hưng Yên) về trồng thử nghiệm.
Chọn hướng phát triển an toàn, hai vợ chồng ông thay nhau chăm sóc, mua phân chuồng, phân ủ vi sinh bón cho cây; diệt sâu bọ bằng biện pháp sinh học như: giã tỏi, gừng, ớt… để phun. Chẳng mấy chốc, hơn 2ha đất của ông đã thành vườn bưởi, cam xen lẫn. Chỉ vào những cây bưởi sai trĩu quả, ông nói: “Trông thế này mà chăm sóc vất vả lắm nhà báo ạ, thời tiết nắng nóng thì ảnh hưởng đến cây, đến chất lượng quả. Trời mưa nhiều thì gây ngập úng, nước không thoát được dễ chết cây, không kể còn sâu bệnh đục khoét phá hoại”.
Bằng cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, với những kiến thức học được qua sách báo, mạng Internet, ông chọn ra được những cây bưởi, cây cam tốt nhất để tự chiết, ghép nhân giống. Từ đó, giống bưởi, cam của ông được nhân rộng, cây nào cây nấy to khỏe và sai trái. Hiện, với trên 200 gốc bưởi, 300 gốc cam, kết hợp trồng thêm 300 gốc hồng xiêm, mít, ổi… quanh năm vườn cây đều cho thu hoạch. Bên cạnh đó, ông còn tập trung trồng rừng, đào ao thả cá. Tính ra, mỗi năm gia đình ông thu về gần 300 triệu đồng tiền lãi.