Tăng cường đối thoại vì lợi ích đoàn viên

11:54, 13/01/2020

Những năm qua, hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) T.P Sông Công quan tâm thực hiện. Qua đó, đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của người lao động và doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất, duy trì việc làm, cải thiện đời sống và điều kiện làm việc cho CNVCLĐ.  

Nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục nhưng trong suốt một thời gian dài, mong muốn được xét tuyển vào biên chế của 11 giáo viên tiếng Anh tiểu học ở T.P Sông Công vẫn chưa được giải quyết. Trong khi chiếu theo các quy định hiện hành, các giáo viên đủ điều kiện được xét tuyển biên chế. Sau khi nắm bắt các ý kiến của các giáo viên tại Hội nghị đối thoại với công nhân lao động do LĐLĐ T.P Sông Công tổ chức, Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo các phòng Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo giải quyết quyền lợi cho các giáo viên theo đúng quy định. Kết quả, 10 giáo viên đã được xét tuyển đặc cách vào biên chế (1 người không được xét tuyển do không đủ điều kiện theo quy định). Chị Trần Thị Thủy, giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học Cải Đan chia sẻ: Thông qua đối thoại trực tiếp, ý kiến của chúng tôi đã được ghi nhận và giải quyết khiến tôi rất vui. Đây là động lực để tôi yên tâm giảng dạy và công tác. 

Một vụ việc khác cũng mới được giải quyết thông qua đối thoại là việc giải tỏa chợ tạm trước cổng Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội, có trụ sở tại phường Cải Đan (T.P Sông Công). Anh Khổng Mạnh Tường, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Do doanh nghiệp nằm trên đoạn đường có nhiều doanh nghiệp, trường học nên đã hình thành một chợ tự phát nằm ngay sát cổng Công ty. Điều này gây cản trở giao thông, mất an ninh trật tự trong khu vực. Tại Hội nghị đối thoại với người lao động do LĐLĐ T.P Sông Công tổ chức, chúng tôi đã đề xuất để Thành phố giải quyết. Ghi nhận ý kiến của Công ty, lãnh đạo UBND T.P Sông Công đã chỉ đạo bố trí chợ tạm tại một khu vực gần đó để công nhân, người dân thuận tiện mua bán. Cuối năm 2019, sau khi chợ Cải Đan được hoàn thành, toàn bộ hoạt động mua - bán đã được chuyển vào trong chợ. Qua đó, giải quyết hoàn toàn các vấn đề phát sinh từ chợ tạm.

Việc đặc cách xét biên chế cho 10 giáo viên tiếng Anh hay giải tỏa chợ tạm trước cổng Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc được giải quyết thông qua đối thoại của các cấp công đoàn T.P Sông Công. Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn Thành phố đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phòng chuyên môn đồng cấp triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

Hàng năm, 100% các cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị công nhân viên chức, trên 80% các doanh nghiệp, tổ chức hội nghị người lao động theo đúng quy định, 75% các đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tổ chức đối thoại ở cơ sở. Thông qua hội nghị, người lao động đã trực tiếp nêu ra những ý kiến liên quan đến quyền lợi của mình. Công đoàn cơ sở đã đề xuất với bộ phận chuyên môn đưa vào quy chế nội bộ những nội dung kiểm tra, giám sát, thỏa ước lao động tập thể… Tính đến hết năm 2019, 95% công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trên địa bàn đã ký kết được thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động; trên 90% thỏa ước lao động tập thể có nội dung có lợi hơn đối với người lao động về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương, thưởng, bảo đảm việc làm, thực hiện chính sách cho lao động nữ, bảo đảm chất lượng bữa ăn ca… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đối thoại với người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn thực hiện lồng ghép, chưa phát huy hiệu quả tối đa. Việc giải đáp ý kiến, đề xuất của người lao động đôi khi còn chậm, ảnh hưởng tới tâm lý người lao động. 

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch LĐLĐ T.P Sông Công cho biết: Thời gian tới, các cấp công đoàn T.P Sông Công sẽ thực hiện tốt hơn nữa chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Các cấp công đoàn tiếp tục chủ động đối thoại, phối hợp nắm chắc tình hình, đề xuất giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của người lao động, nhằm đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần giúp CNVCLĐ yên tâm lao động; tăng cường đoàn kết, gắn bó với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức công đoàn; củng cố thêm lòng tin giữa công nhân, lao động với công đoàn.