Khi những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý đang cận kề, đến với huyện Phú Bình, chúng tôi có dịp tham quan nhiều điểm di tích lịch sử đã và đang được trùng tu, tôn tạo khang trang. Kết quả đó có một phần đóng góp kinh phí đáng kể của nhiều người dân trên địa bàn huyện.
Ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm ngôi đình La Sơn đang được tôn tạo lại từ nguồn kinh phí xã hội hóa ở thị trấn Hương Sơn. Ông Ngọ Văn Đạt, thủ nhang ở ngôi đình dẫn chúng tôi đi thăm quan công trình và giới thiệu: Đình La Sơn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân tổ dân phố La Sơn và tổ 1. Đình được xây dựng vào thời hậu Lê, đến thời nhà Nguyễn năm 1942, đình được tôn tạo lớn bằng sự đóng góp công đức của nhân dân trong làng. Ngôi đình lúc đó được xây gạch 5 gian, khung nhà bằng gỗ, mái lợp rạ, sau đó lợp ngói mũi. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình được hạ giải, vật liệu của ngôi đình được sung công đem xây dựng nhà kho. Năm 2000, nhân dân thu lại gỗ của ngôi đình cũ, phục dựng lại ngôi đình trên nền cũ. Về kiến trúc cơ bản, ngôi đình vẫn giữ được những nét chính, kiến trúc theo kiểu chữ nhất. Đình có 3 gian xây theo kiểu tường đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy rồng, nóc đình có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Đình có chiều dài 9,3m, rộng 8m. Hiện đình còn lưu giữ được 2 đạo sắc phong. Tháng 3- 2017, nhân dân trong làng đã tìm thấy tấm bia đá Hậu thần, bia được lập vào năm Lê Chiêu Thống nguyên niên (1787). Các tài liệu như sắc phong, thần tích còn được lưu giữ khẳng định đình La Sơn là nơi thờ thần Tam Giang Quý Minh - Anh hùng dân tộc thời Tiền Lý. Đến tháng 6-2017, ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài nên nhiều hạng mục của ngôi đình bị xuống cấp nặng. Ban Quản lý Di tích đình La Sơn đã cùng các tổ trưởng dân phố tổ chức họp, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đóng góp xây dựng lại ngôi đình này. Các gia đình, dòng họ trở thành cầu nối để các tổ trưởng liên hệ vận động, kêu gọi những người con xa quê thể hiện trách nhiệm và tình cảm của mình đối với quê hương. Kết quả, trong 6 tháng (kể từ khi vận động nhân dân đến nay), trên 200 hộ của 2 tổ dân phố và các cá nhân, tập thể khác đã đóng góp gần 600 triệu đồng cùng nhiều hiện vật có giá trị để xây dựng lại ngôi đình này.
Ở huyện Phú Bình, không chỉ Di tích lịch sử đình La Sơn của thị trấn Hương Sơn được trùng tu, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa mà còn có nhiều di tích khác cũng được thực hiện theo cách này. Tiêu biểu có thể kể đến quần thể Di tích đình, chùa Phương Độ ở xã Xuân Phương; đình, chùa Phao Thanh ở xã Thanh Ninh; đình Ngược ở xã Bảo Lý… Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Lý cho biết: Toàn xã hiện có 7 cụm di tích đình, chùa, trong đó, có 5 cụm di tích lịch sử cấp tỉnh. Những năm qua, bên cạnh kinh phí hỗ trợ của cấp trên, xã Bảo Lý đã tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích. Công tác này được người dân quan tâm thông qua hình thức như đóng góp bằng tiền, hiện vật, vật tư và công sức. Từ năm 2017 đến nay, toàn xã đã huy động nhân dân trong và ngoài xã đóng góp được trên 2 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trên địa bàn.
Huyện Phú Bình hiện có 216 di tích được kiểm đếm, 54 di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Trong 5 năm (từ 2015 đến nay) toàn huyện có 14 di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Ông Dương Quang Xuân, Trưởng Phòng Văn Hóa - Thông tin huyện Phú Bình cho biết: Cùng với hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua huyện Phú Bình đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác trùng tu, tôn tạo gắn với bảo tồn phát huy giá trị các di tích; tích cực kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa để ngăn ngừa, xử lý kịp thời vi phạm nếu có; thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm chủ động tham mưu với cấp trên giải pháp quản lý, nâng tầm di tích. Để thuận lợi cho du khách đến thăm quan, tìm hiểu, các di tích trọng điểm của huyện cơ bản đã được cắm biển chỉ dẫn. Ngoài ra, hàng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn tập trung chỉ đạo tổ chức lễ hội gắn liền với điểm di tích theo phương châm khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo sức lan tỏa và dấu ấn trong “bức tranh” văn hóa chung của huyện.
Nhờ thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Phú Bình ngày càng khang trang, phát huy được giá trị văn hóa trong đời sống và góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.