Cuối tháng 2, tùng đợt gió nồm mang theo hơi ẩm của mùa Xuân thổi vào lòng nguời nơi vùng đất ATK Định Biên (Định Hóa) bao hoài niệm và hy vọng. Vậy là một mùa lúa mới nữa lại về. Khắp đất trời nơi đây ngập tràn sắc xanh mỏng mảnh của những nhành mạ non vừa cấy. Mùi vị ngai ngái của ruộng đồng hòa quện với huơng thơm thoang thoảng của hoa rừng mang đến cho Định Biên một nét riêng có vào thời điểm xuống đồng mùa Xuân.
Ở Định Biên, cây lúa không chỉ là “ngọc thực” mà còn là nét đẹp văn hóa đã gắn bó với bà con người dân tộc Tày, Nùng… nơi đây. Chị Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã cho hay: Xã có 750 hộ dân với hơn 2.900 nhân khẩu, trong đó có tới hơn 90% số hộ sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất lúa.
Đi qua bao tháng năm, cây lúa đã gắn bó với những thăng trầm của vùng đất Định Biên này. Những năm hoạt động cách mạng đầy gian khó, người dân chăm chỉ cấy cày để mong có được hạt gạo trắng thơm nuôi dưỡng cán bộ. Khi đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, những ruộng lúa ở đây không ngừng được thâm canh, tăng năng suất, giúp người dân có thóc (gạo) đầy bồ, không còn lo đói ăn, đứt bữa mùa giáp hạt. Quê hương ngày càng đổi mới, đồng bào Định Biên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc tập trung phát triển cây chè, trồng rừng để vươn lên làm giàu. Vì thế, lúa không còn là cây trồng chủ lực nữa nhưng bà con vẫn chăm chỉ cấy cày 2 vụ/năm.
Bà Ma Thị Tuyến, một người dân ở xóm Khau Diều nhớ lại: Ngày xưa, người dân Định Biên vẫn còn sản xuất lúa theo phương thức truyền thống như: Dùng sức kéo của trâu, bò để làm đất; cùng nhau đổi công cấy lúa chứ không có sự hỗ trợ của máy móc như bây giờ; cấy giống lúa địa phương năng suất thấp. Hồi ấy, mỗi mùa cấy lúa, các cánh đồng đông vui, nhộn nhịp. Cánh đàn ông thì cho trâu kéo cày lật đất, bừa ruộng. Chị em thì lo nhổ mạ, cấy lúa. Mỗi buổi chiều tà, khi đổi sắc trời, những người đi đổi công lại tụ tập về nhà gia chủ (người có ruộng cấy lúa hôm đó) nấu cơm, chia nhau từng gắp măng rừng, rau dớn hái bên bờ suối, tình cảm quá đỗi thân thiết, gắn bó.
Năm tháng cứ thế xếp chồng lên nhau, phương thức canh tác lúa của người dân Định Biên cũng dần thay đổi theo thời gian và ngày một hiện đại hơn. Nay, bà con đã làm đất bằng máy; gieo mạ khay hoặc có công cụ gieo sạ hỗ trợ cấy lúa; đưa các giống lúa lai năng suất, chất lượng vào gieo cấy. Hầu như các hộ dân không gieo mạ, để già, cắt ngắn rồi mới mang ra ruộng cấy như trước đây. Chị Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Sản xuất lúa theo phương thức mới không chỉ giúp cho bà con tiết kiệm được thời gian, sức lao động mà còn làm tăng sản lượng lúa. Với trên 340ha lúa hiện có, mỗi năm, sản lượng lương thực của xã đạt trên 1.800 tấn, tăng hơn vài trăm tấn so với hai chục năm trước.
Với người nông dân Định Biên nói riêng, nông dân miền Bắc nói chung, cấy lúa chỉ là giai đoạn đầu của vụ lúa xuân. Sau hoàn tất việc cấy lúa, người nông dân nơi mảnh đất vùng cao này lại tảo tần “một nắng hai sương” để chăm bón cho những nhánh mạ non, mảnh mai, yếu ớt trở thành những ruộng lúa xanh tốt. Qua thì con gái, những cây lúa bắt đầu đứng cái, làm đòng, trỗ bông, “ngậm” sữa, vào chắc và chín vàng.
Ngắm cánh đồng lúa đang ken đầy mạ non trước mặt, chị Tuyến háo hức: Vui nhất là khi vào mùa lúa chín, từng bông trĩu hạt, vàng ruộm. Nhà nhà gặt lúa mang về. Thời “các cụ”, lúa được tuốt thủ công (đập, vò), rồi đổ ra cót phơi ở sân làm bằng nan cây nứa của những chiếc nhà sàn nên việc thu hoạch, bảo quản lúa mất khá nhiều thời gian. Bây giờ, người ta gặt, tuốt lúa đều bằng máy rồi cho vào bao, đưa lên xe máy, ô tô chở về nhà. Nếu thời tiết không thuận lợi sẽ có máy sấy cho thóc khô. Mọi công đoạn thu hoạch một mẫu ruộng hoàn tất chỉ trong vài giờ đồng hồ…
Nói về cây lúa hôm nay, mỗi người dân Định Biên đều không giấu nổi niềm vui khi mùa tiếp mùa, an ninh lương thực trên địa bàn được bảo đảm. Ngày nay, cây lúa dù không thể làm giàu nhưng vẫn là nguồn lương thực cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và chăn nuôi của người dân ở Định Biên. Và cây lúa cũng chính là một nét đẹp văn hóa của cộng đồng người dân tộc Tày - Nùng nơi vùng đất chiến khu xưa với tục cúng cơm mới, ngày hội xuống đồng được tổ chức vào đầu tháng Giêng hằng năm…
Mùa lúa mới ở Định Biên năm nay đang khởi đầu đầy thuận lợi khi nguồn nước cấy lúa vụ xuân đã được đưa về ruộng đầy ăm ắp. Lượng phân bón để làm cho ruộng đồng màu mỡ; số “lúa giống” cũng đã được bà con chuẩn bị đủ đầy... Mong muốn của bà con người Tày, người Nùng… ở Định Biên là khi con tu hú báo hiệu vào hè; tiếng những con chim Cuốc rộn vang khắp các cánh đồng, những vạt lúa vàng sẽ cho một vụ mùa bội thu.