Tăng cường công tác quản lý hành nghề y- dược

15:37, 26/02/2020

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 766 cơ sở hành nghề y - dược, trong đó có 206 cơ sở công lập, 29 trạm y tế doanh nghiệp, 531 cơ sở ngoài công lập. Theo đó, toàn tỉnh có trên 1.230 cơ sở kinh doanh dược hoạt động có giấy phép. Sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng của các cơ sở hành nghề y - dược với nhiều dịch vụ đa dạng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. 

Bà Triệu Thị Ngọc, một người dân ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho hay: Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở khám, chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm. Vì thế, chúng tôi có quyền lựa chọn những cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm có chất lượng dịch vụ tốt, hiệu quả điều trị bệnh cao, các loại thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Từ thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hành nghề y - dược trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, chủ các cơ sở hành nghề ngày càng được chú trọng. Đa số các cơ sở đáp ứng tốt các quy định Nhà nước, chấp hành tốt các quy định về điều kiện hành nghề, các quy chế chuyên môn.

Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý, ngành Y tế đã duy trì tốt việc cập nhật hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động trên hệ thống phần mềm quản lý đăng ký khám, chữa bệnh. Đồng thời, từng bước cập nhật chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh lên hệ thống phần mềm quản lý dược của Bộ Y tế. Riêng năm 2019, Ngành đã tổ chức tập huấn, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề y - dược đối với 100% trung tâm y tế huyện, trạm y tế tuyến xã; chỉ đạo các phòng y tế kiểm tra, báo cáo thực trạng hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập và kinh doanh thuốc trên địa bàn.

Cùng với đó, ngành Y tế còn thực hiện nghiêm việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề khám, chữa bệnh. Hiện, toàn tỉnh có gần 6.300 người được cấp chứng chỉ hành nghề. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, chúng tôi sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề. Trong năm 2019, đã có 2 trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Năm qua, Ngành đã cấp mới giấy phép hoạt động cho 95 cơ sở khám, chữa bệnh; thu hồi 21 giấy phép hoạt động; phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y - dược để chấn chỉnh hoạt động khám, chữa bệnh và kinh doanh thuốc trên địa bàn; thanh, kiểm tra 475 cơ sở hành nghề y - dược; qua đó, phát hiện 104 cơ sở vi phạm với số tiền phạt là hơn 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở hoạt động vượt quá quyền hạn chuyên môn cho phép, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác quản lý hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực còn thiếu; một số cơ sở chưa hợp tác với cơ quan quản lý; việc kiểm tra, xử lý các vi phạm chưa được thường xuyên; một số chủ cơ sở hành nghề nhận thức chưa đầy đủ hoặc cố tình thực hiện không đúng, trốn tránh các quy định của pháp luật…

Bởi vậy, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý hành nghề y dược, thời gian tới, việc tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành có liên quan là rất cần thiết. Song song với đó là tăng cường giám sát, phát hiệu dấu hiệu vi phạm của các cơ sở hành nghề để từ đó, ngành Y tế xây dựng nội dung kiểm tra, hướng xử lý, tham mưu với tỉnh thành lập đoàn kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật, các chính sách của Nhà nước và của tỉnh đến các cơ sở hành nghề y - dược tư nhân…

Nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp y tế nên làm tốt công tác quản lý cán bộ, viên chức hành nghề ngoài giờ, yêu cầu không được khám, điều trị cho bệnh nhân vượt quá phạm vi hành nghề trong giấy phép hoạt động; không hành nghề khi không có chứng chỉ hoặc giấy phép hoạt động...