“Yêu thương và chia sẻ” là chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay. Một thông điệp nhân văn, sâu sắc gửi tới mọi người trong toàn xã hội. Với ý nghĩa đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng nhân cách tốt cho con người. Và sẽ thật sự có ý nghĩa hơn khi trong cuộc đời thường, mỗi người đều mang trong mình một trái tim nhân ái, biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ yêu thương.
Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống văn hoá và gia đình (sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Để mỗi gia đình thật sự là một “lâu đài” hạnh phúc, từ nhiều năm gần đây, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Điều đó được cụ thể hoá thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hoá” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi ở một “góc khuất” vẫn còn xảy ra hiện tượng xâm phạm thể xác, tinh thần người khác...
Theo số liệu tổng hợp của Ban Công tác gia đình tỉnh: Trong thời gian 10 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 4.000 vụ BLGĐ, chủ yếu xâm phạm về tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Nạn nhân bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, những người sống phụ thuộc về kinh tế. Qua khảo sát thực tế cho thấy: Hầu hết các vụ BLGĐ xảy ra đều có nguyên nhân từ cả 2 phía là người gây bạo lực và người bị bạo lực. Trước hết là người bị bạo lực do phải sống phụ thuộc; thiếu kỹ năng ứng xử, chưa đối đãi công bằng giữa 2 bên gia đình nội, ngoại; việc ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha, mẹ với con cái chưa đúng mực dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng quan điểm. Cũng có nhiều trường hợp bị bạo lực do bản thân có hành vi ứng xử thiếu văn hoá, như có lời lẽ và hành động thái quá làm “đối tác” bị tổn thương danh dự, dẫn tới sự nổi giận và có hành động vũ lực không cần thiết. Còn về phía người gây bạo lực thường do tính gia trưởng, ích kỷ, có hành vi ứng xử kém văn hoá...
Thực tế có không ít gia đình thường xuyên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chính quyền địa phương biết rõ việc đó, nhưng không muốn can thiệp, cho đó là chuyện riêng tư. Và chỉ can thiệp khi hành động bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ việc anh trai chém chết em gái ở phường Chùa Hang (T.P Thái Nguyên) hồi tháng 9-2019 do nợ nần; vụ con rể dùng dao đâm bố mẹ vợ xảy ra vào tháng 11-2019 tại xã Thành Công (T.X Phổ Yên) do vợ chồng mâu thuẫn...
Nhằm hạn chế tình trạng BLGĐ, hằng năm, sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch linh hoạt triển khai lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dân cho nhân dân xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; tham gia xây dựng gia đình văn hoá; gia đình không có bạo lực. Trong năm 2019, sở đã phát hành 3.290 cuốn sách có chủ đề: "Nét đẹp quê hương"; 3.260 cuốn tài liệu in ấn các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; văn hóa cơ sở”; tổ chức 1.071 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân; luân chuyển 59.950 lượt sách, báo; tổ chức 119 buổi biểu diễn nghệ thuật; cấp phát 2.800 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền và sách nghiệp vụ; tổ chức trên 1.430 buổi giao lưu văn nghệ quần chúng; 960 giải thể thao quần chúng; phối hợp tổ chức 136 cuộc tuyên truyền… Các hoạt động này góp phần nâng cao được mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân; đồng thời làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức cho người dân về đạo đức, lối sống, xây dựng nhân cách tốt cho con người.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 100 mô hình phòng, chống BLGĐ; gần 800 câu lạc bộ; 250 nhóm phòng, chống BLGĐ, thu hút hơn 50.000 thành viên tham gia. Tại các xã, phường, thị trấn thành lập được gần 1.300 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, hơn 2.300 tổ hòa giải cơ sở. Đặc biệt, tại 178 trạm y tế xã, phường, thị trấn của tỉnh đăng ký khám, chữa bệnh và làm nơi tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ...
Ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày nhắc nhở mọi người biết chia sẻ, biết yêu thương và tạo sức lan toả những việc làm cao đẹp, có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo dựng nên những mái ấm gia đình và một xã hội phát triển bền vững.